- Đồn cái gì? - Tôi nhăn trán hỏi lại, trong lòng cảm thấy vô cùng bất an. Từ trước giờ đa số những lời đồn đại đều chẳng mấy hay ho gì.
***
Tôi giơ cao trong tay chiếc ống nghiệm, mặt nhăn nhó cố tìm cho ra cái kết - tủa - lởn - vởn mà theo như lý thuyết đáng ra nó phải xuất hiện. Tôi vừa cầm cái đũa thủy tinh lên định khuấy thì nhỏ Liên kéo tôi ra góc bàn. Khi đã định vị được chỗ "hạ cánh" an toàn nằm ngoài tầm nhìn của thầy, nó quay sang nhìn tôi với vẻ mặt nghiêm trọng:
- Tụi lớp mình đang đồn ầm lên về mày đấy!
- Đồn cái gì? - Tôi nhăn trán hỏi lại, trong lòng cảm thấy vô cùng bất an. Từ trước giờ đa số những lời đồn đại đều chẳng mấy hay ho gì.
Liên cúi sát mặt tôi, giọng nhỏ đi:
- Đồn mày với thằng Thương là một cặp!
Tôi giật mình đứng bật dậy ngoác miệng nói to:
- Láo!
Nhỏ Liên vội vàng kéo tôi ngồi xuống, vừa liếc chừng thầy Hóa. May quá, có lẽ thầy không để ý vì đang bận ngắm mấy cái ống nghiệm bên dãy bên kia.
- Khẽ chứ! Mày làm tao hết hồn! Thầy mà phát hiện thì lên sổ đầu bài ngồi như chơi! - Nhỏ Liên trách móc.
Tôi hạ giọng:
- Biết rồi, nhưng lúc nãy mày cũng làm tao hết hồn! Cái gì mà "tao với thằng Thương là một cặp"? Mày điên rồi à?
- Có phải tao nói đâu, tao nghe tụi lớp mình kháo nhau đấy chứ...
Tôi rủa thầm mấy đứa nhiều chuyện. Chắc lại mấy bà dựng xì-căng-đan kiểu này tồn tại không lâu, nhưng mà ghép tôi với Thương thì thật là...
Tôi và Thương ngồi cùng một bàn. Tôi là con gái, nghịch ngợm, ăn to nói lớn, còn Thương thì là con trai (tất nhiên!) hiền như cục đất, ngồi trong lớp cứ ỉm ìm im. Tôi với nó khác xa nhau như trời với đất.
Vậy mà bây giờ lại có đứa dám lên tiếng ghép trời - đất lại với nhau! Thật là quá đáng!
- Thôi, chắc đứa nào giỡn chơi thôi mà! - nhỏ Liên an ủi
- Giỡn chơi à? Hết chuyện nói rồi hay sao mà ghép tao với thằng Thương?
- Thì chỉ có mấy vụ gây bất ngờ mới tạo được tiếng vang lâu dài chứ?
Tôi tức tối chọc cái đũa thủy tinh vô cái ống nghiệm và khuấy mạnh. Nãy giờ cái kết tủa vẫn đang chơi trốn tìm với tôi.
- Nhưng mà mày nghĩ xem, phải có cái gì tụi nó mới đồn chứ?
Tôi nhìn vào bức tường đối diện suy nghĩ, vừa khuấy nhẹ cái ống nghiệm như kiểu người ta khuấy một ly nước chanh.
- Việc tốt gần đây nhất mà nó làm cho tao là cho tao mượn tờ giấy nháp để làm bài kiểm tra toán...
- Mày phải kiếm cho ra cái việc gì cho tình cảm một chút, chứ cái này khô khan quá.
- Vậy chứ sao mới gọi là tình cảm?
- Thì kiểu như là... chết cha! Thầy tới... để sau nói chuyện...
Cả hai đứa nhẹ nhàng lủi về phía bàn của mình.
Sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi này, tôi đã bắt đầu tiên đoán được những gì sắp diễn ra với tôi.
Đúng như tôi nghĩ, mấy ngày sau đó, tôi và Thương là tâm điểm chú ý của lớp. Thường ngày, tôi luôn miệng mượn nó thước, bút chì, máy tính, và cả nháp nữa, nhưng bây giờ tôi không còn dám mở miệng mượn nó cái gì. Bởi cứ mỗi lần mượn là y như rằng hàng tá con mắt xung quanh quay lại liếc nhìn về phía tôi, mỉm cười ra chiều hiểu biết.
***
Hôm sau tôi bị kêu lên bảng trả bài sử. Thương biết tôi chưa học bài nên ngồi phía dưới luôn miệng nhắc vọng lên. Nhưng tôi cứ giả lơ như không biết. Tôi cầm quyển vở có con ba đỏ chót về bàn thì Thương hỏi nhỏ:
- Sao nhắc mà lại ngó chỗ nào vậy?
Tôi không thèm nhìn nó, gắt lên giận dữ:
- Lần sau đừng nhắc nữa!
Thương tròn mắt, có vẻ chẳng hiểu gì. Nhưng nó không hỏi thêm gì nữa.
Tôi là đứa buồn rất nhanh, mà vui cũng rất nhanh. Cho nên chỉ đến giờ ra chơi là mọi nỗi buồn về điểm ba môn sử đã hoàn toàn bốc hơi. Như thường lệ, tôi nhận nhiệm vụ làm "trực thăng" đi ra căn-tin mua xôi về tiếp tế cho mấy đứa trong lớp. Với sự thông minh và hoạt bát của mình (hì hì), chỉ vài phút sau, tôi đã tung tăng tung tẩy cầm một bì đầy xôi trở về lớp.
Nhưng thật không may, tôi bị thầy giám thị bắt...
- Em vào đây!...
Tôi bước từng bước chậm chạp vào căn phòng lạnh lẽo, trên treo một cái bảng to tướng có đề "Phòng giám thị". Nhẹ nhàng đặt cái bì xôi đầy nhóc lên bàn, tôi lại nhẹ nhàng ngồi xuống. Trong cái căn phòng quá đỗi im lặng này, cái gì cũng phải làm thật nhẹ nhàng. Nếu không, chỉ một tiếng động mạnh vang lên cũng đủ làm cho người ta giật mình.
Lúc này tôi ước giá như cái bì xôi trước mặt cao hơn chút nữa, để tôi khỏi phải nhìn thấy khuôn mặt đáng sợ của thầy giám thị. Thầy nhìn tôi dò xét, như thể đang tìm ra một thứ hình phạt gì đó thật khắc nghiệt để áp dụng, làm tôi cứ phải cúi gằm mặt xuống nhìn cái bàn một cách bất đắc dĩ. Tôi thấp thỏm đoán xem thầy sẽ làm gì với mình. Ừm... làm gì cũng được, ngoại trừ cái hình phạt mà năm lớp 11 thầy đã phạt tôi. Nhớ lần đó, thầy bắt tôi phải quét khoảng sân trước cửa thư viện. Sẽ không có gì đáng nói nếu cái chổi của tôi không mòn vẹt, còn cái cán chổi thì cao gấp hai lần người tôi, khiến ai đi ngang qua cũng ngoái nhìn rồi bấm bụng cười, làm tôi ngượng chín cả người. Cho nên có một thời tôi đã lãnh cái biệt danh "chổi cán dài".
Nhưng mà cũng có những lúc thầy tội lắm cơ! Nhớ lần tôi và nhỏ Liên đi muộn. Cũng tại cái tính lề mề của nó mà chúng tôi muộn đến hơn mười phút. Đến trường thì cổng đã khóa. Nếu muốn vào học thì phải đợi đến hết tiết. Thế là tôi và Liên quyết định gửi xe bên công viên gần trường, rồi thực hiện phi vụ... trèo tường. Hai đứa tôi cột tà áo dài lên quá hông cho đỡ vướng, rồi hì hục trèo lên. May mà cái tường thành của trường Hai Bà Trưng không cao lắm. Lên đến đỉnh tường, chuẩn bị leo xuống thì chúng tôi thấy thầy giám thị đằng xa chạy tới. Tôi và nhỏ Liên cuống cuồng lên, nhưng thầy thì đứng dưới ra sức... trấn an, sợ chúng tôi vội vàng nhảy xuống lại xảy ra chuyện gì. Tôi còn nhớ lúc đó thầy cũng cuống chả kém tụi tôi, cứ luôn miệng: "Từ từ nghe mấy em... từ từ thôi... đừng sợ... từ từ mà xuống..." Mỗi lần nghĩ lại tôi cứ cười ngất ngưởng...
- E hèm!
Tiếng đằng hắng của thầy lôi tôi ra khỏi dòng suy nghĩ một cách thô bạo. Dừng một lúc lâu, rồi thầy buông một câu nhẹ như mây:
- Ăn xong hết cả đi tôi cho về!
***
Tôi phải ngồi ăn hết gần 5 hộp xôi, tôi thất thểu đi về lớp. Bọn lớp tôi ùa ra xem, hỏi han đủ điều. Khi nghe tôi kể chuyện, bọn nó cười như nắc nẻ, bỏ qua luôn chuyện bắt đền tôi mấy hộp xôi.
Nhưng vừa bước vào lớp thì tôi lại nghe tiếng châm chọc của nhỏ Linh.
- Cái Hương không có ở lớp là có người chép bài giùm nha!
- Ghê thiệt! Tiến triển nhanh quá! - Nhỏ Phương bồi thêm.
Nghe đến đó, tôi chợt hiểu ra tụi nó nói về cái gì. Lập tức tôi phăng phăng bước về phía bàn của mình. Dường như sự tức tối về con ba môn sử lúc trước đang hè nhau kéo về. Tôi chụp lấy quyển vở sinh, lật mạnh ra và phát hiện thấy nét chữ của Thương. Nãy giờ Thương vẫn đang ngồi quan sát xem tôi làm gì.
Người tôi nóng ran, bừng bừng giận dữ. Tụi nó đồn như thế còn chưa đủ hay sao mà còn bày trò cho tụi nó chọc! Tôi vứt quyển vở xuống trước mặt Thương, quát lên:
- Ai cho tự tiện đụng vào vở của tôi hả? Ai nhờ mà ghi chép này nọ?
Thương nhìn tôi, nhíu mày giận dữ. Sau đó, Thương phản ứng một cách chẳng ai nghĩ tới. Thương đứng bật dậy, đối mặt với tôi, quát còn to hơn:
- Tôi làm gì sai à? Chỉ là chép bài giùm thôi, vậy mà cũng bị chửi nữa!
Rồi Thương đưa chân đạp mạnh cái ghế trước khi bỏ ra ngoài. Còn tôi thì gục xuống bàn bật khóc.
Mấy ngày sau, Thương với tôi không nói chuyện. Tụi trong lớp cũng không dám chọc gì nữa. Trong mấy ngày qua, tôi suy nghĩ rất nhiều, càng nghĩ càng thấy ân hận. Chỉ vì lời đồn không đâu mà tôi đã xúc phạm đến một người bạn. Nhưng giờ tôi không đủ dũng cảm để xin lỗi Thương.
Đến ngày thứ bảy kể từ ngày Thương và tôi cãi nhau, tôi mới tìm được cơ hội xin lỗi cậu ấy. Đó là vào tiết hai, tôi chán nản cúp cua tiết đó ra căn-tin ngồi ăn xôi. Bữa nay tôi "cạch", không dám đem xôi về lớp ăn nữa. Đang ăn thì tôi để ý thấy một dáng người rất quen thuộc đang ngồi trên sân bóng rổ. Là Thương à? Không thể nào. Tôi cúi người ngó ra, nheo mắt nhìn kỹ. Đúng là Thương rồi! Tôi vội bỏ dở hộp xôi, đi ra sân, tiến về phía Thương, mỉm cười ngồi xuống cạnh Thương.
- Trời hôm nay đẹp nhỉ? - Tôi bâng quơ.
Người ta thường nói câu này khi chẳng nghĩ ra câu gì để nói.
- Hôm đó... sao Hương lại xử sự vậy? - Thương không nhìn tôi.
Tôi giật mình. Rồi tôi kể hết cho Thương nghe, về lời đồn, về những lời châm chọc, về tất cả. Rồi tôi kết thúc bằng một câu:
- Xin lỗi!
Thương cười:
- Ai dư lỗi mà xin chứ?
Tôi cười theo. Thương tiếp:
- Hương tưởng tôi không biết lời đồn đó sao? Tôi biết chứ, nhưng cứ giả vờ như không biết. Tại sao lại phải để ý mấy chuyện đó nhỉ?
Tôi xấu hổ cúi xuống, nghĩ mình thật trẻ con và ngốc nghếch. Hình như Thương biết tôi ngượng, nên hít một hơi dài, nói to:
- Vậy Hương biết tại sao tôi lại phản ứng như hôm đó không?
Tôi nhìn Thương, lắc đầu.
- Vì tôi không có người bạn nào, ngoài Hương cả. Tôi trầm cảm, tụi con gái cũng không nói chuyện, còn bọn con trai thì chẳng coi tôi ra gì. Vì vậy, nếu Hương, người bạn duy nhất của tôi, mà còn hiểu lầm tôi nữa, thì thật là thất vọng...
Lặng đi một lúc, tôi hỏi Thương:
- Tụi con trai không coi Thương ra gì à? Sao vậy?
Thương cười buồn:
- Có một ngày tụi nó rủ tôi đi hút thuốc, nhưng tôi không đi. Vậy là tụi nó bảo tôi không phải là con trai, đi mà chơi với tụi con gái! Bọn nó bảo tôi là đồ ẻo lả, không phải đàn ông...
Tôi không ngờ mấy đứa con trai lớp tôi lại tồi tệ đến vậy. Thương nói tiếp:
- ...Chắc là cũng đúng vậy thiệt ha? Có lẽ tôi cũng phải tập hút thuốc thôi...
Tôi ngăn ngay:
- Đừng! Dại dột quá! Làm cái ống khói thì có gì hay ho chứ? Những người không hút thuốc mới là đàn ông trong mắt con gái tụi tôi, bởi vì chỉ có những đứa con nít thì mới đua đòi theo kiểu ngốc xít như vậy.
Thương vẫn nhìn lên trời, mỉm cười:
- Cảm ơn Hương.
Tôi đứng bật dậy, vươn vai, rồi quay sang Thương:
- Đứng lên đi, có việc nhờ đây.
Thương ngoái nhìn lên.
- Gì?
- Giảng giùm bài Sinh hôm nọ. Thương chép mà về đọc có hiểu gì đâu!
Ngẫm nghĩ một lúc, Thương nói:
- Có khi là... không được đâu!
- Sao?
- Tôi còn bận đi tập hút thuốc nữa...
- Này! Này!
Tôi và Thương cùng bật cười. Tiếng cười giòn tan của hai đứa khuấy động cả một góc sân.