Bạn đang đọc truyện online hay trên di động tại wapsitechuotnhat84.xtgem.com! Chúc bạn có những giây phút online vui vẻ
Đôi khi những quyển sách có thể đưa những người ở cách xa nhau trở nên gần gũi…
Chiếc máy tính đời P4 chạy lọc xọc như để báo hiệu cho người sử dụng biết tình trạng sắp hết đát của những bộ phận già cỗi bên trong. Tôi liếc nhìn tờ rơi in một loạt laptop đời mới với những dòng in đậm chói lóa: Giá tốt nhất thị trường, dòng laptop siêu mỏng, giảm giá đặc biệt… rồi ngồi thở dài thườn thượt. Hơn một năm tìm việc trong lao đao, tôi làm đủ nghề như nhân viên coi quầy tô tượng, chạy bàn đám cưới, phụ bán shop quần áo trẻ em, nhập capcha trực tuyến… nhưng chẳng gắn bó lâu dài. Rốt cục tấm bằng đại học vẫn được tôi cất giữ trang trọng trên giá sách. Kết quả của kỳ thi tuyển dụng công chức mà tôi và gia đình sốt ruột chờ đợi vừa mới được công bố mấy ngày trước khiến ai nấy trong nhà đều thất vọng. Mùi vị của thất bại đã nếm quá nhiều khi dự tuyển những kỳ thi tuyển dụng vào ngân hàng lại tiếp tục bám vào tôi. Hôm biết kết quả, tôi ra hiên nhà ngồi khóc. Bố mẹ chẳng nói gì, lẳng lặng ra ngoài sân tiếp tục lột bắp ngô lai. Đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không vượt qua được cái dớp của “thi phận”.
Tôi rời khỏi bàn cặm cụi xếp những cuốn sách Thẩm định Tín dụng, Nghiệp vụ Ngân hàng cho vào chiếc thùng các tông. Tôi đã quyết định tặng chúng cho con bé X. Dầu hàng xóm nhà nghèo học rất giỏi năm sau thi Học viện Ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Trên giá sách của tôi còn có khá nhiều các cuốn sách thuộc nhiều thể loại. Tôi đã khám phá bao điều k. thú trên khắp thế giới từ những cuốn sách ấy. Từ cuốn Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip hay John đi tìm Hùng của Trần Hùng John… đến Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình của giáo sư Ngô Bảo Châu. Và tôi rất yêu giá sách nhỏ của mình.
***
Tôi bắt đầu dành thời gian viết blog, kể những câu chuyện về cuộc sống bình dị quanh mình, về những người nông dân như ba mẹ tôi. Tôi còn đăng những bài cảm nhận về các cuốn sách yêu thích, thấy hớn hở khi có người vào đọc. Cuối tuần, đang lúc thảnh thơi ngồi trang trí cho blog thêm phần vui nhộn và bắt mắt, tôi khá bất ngờ khi nhận được comment của một người khách. “Chào em, anh rất thích những câu chuyện em kể. Sinh động và rất thực tế”. Tôi trả lời ngay. “Cám ơn anh đã gửi comment. Hi hi. Anh ở đâu vậy?”.
“Anh sống và làm việc ở Hà Nội”.
Hai anh em đã nói chuyện rất vui vẻ về những cuốn sách mới được xuất bản gần đây. Thế Phương còn giới thiệu cho tôi những tác phẩm văn học mạng được viết bởi những tác giả 9X. Hóa ra anh là nhân viên truyền thông của một công ti sách, thảo nào anh am hiểu về lĩnh vực sách đến vậy. Tôi nói với anh rằng mình muốn viết những tản văn về nghề nông của ba mẹ. Anh liền gõ nhanh một địa chỉ email.
“Địa chỉ nhận bản thảo của công ti anh đấy. Em viết rất khá. Anh tin thế nào cũng được duyệt để xuất bản”.
“Hì, em hông dám mơ tới điều đó”.
“Anh nói thật đấy!”.
Được Phương khuyến khích, tôi bắt tay viết ngay, viết về sự vất vả của người nông dân chân lấm tay bùn, về những buổi đêm gà gáy ra ruộng lấy nước hay xót ruột khi cơn mưa bất ngờ đổ xuống, cuốn trôi thuốc cỏ mới xịt ban chiều. Tôi còn viết về những cánh đồng lúa vàng ươm vào mùa thu hoạch và nụ cười của ba mẹ khi lúa về nhà. Anh Phương nói với tôi: “Con nhà nông thảo nào viết tốt thế”. Tôi đọc và cười buồn. Hồi học Đại học chỉ ước sao nhanh ra trường đi làm kiếm tiền đỡ đần ba mẹ nhưng rồi lại long đong lận đận không nghề nghiệp ổn định. Một hôm Phương đề nghị: “Hay ra Hà Nội đi, công ti anh đang thiếu vị trí kế toán”. Tôi đáp: “Ba mẹ em sẽ lo lắng khi con gái sống xa nhà”.
“Thế hồi đại học em học ở đâu?”.
“Em học trường Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum”.
“À, ra thế”.
***
Một buổi sáng khi đến quán phở của dì phụ bưng bê, tôi đọc ké tờ báo với dượng và sững sờ khi thấy truyện ngắn Mùa bội thu của mình in trên báo đề tên Thế Phương bên dưới. Như bị tạt gáo nước lạnh vào mặt, tôi thấy rùng mình. Lợi dụng sự tin tưởng của một con bé nhà quê để cuỗm đi những cảm nhận về nghiệp nông đến từng câu từng chữ. Bịa đặt ra cái chức danh nhân viên truyền thông của một công ti sách uy tín để dễ bề lừa bịp tôi. Vậy mà tôi đã nuôi dưỡng tình bạn ảo đó và yêu mến Phương như một người anh trai thân thiết. Về nhà sau một ngày tất bật, tôi tắm rửa thay quần áo rồi vào mạng check email. Có hai email của Phương với tiêu đề: “Anh muốn giải thích”. Tôi bấm nút xóa ngay tức khắc. Tôi đã biết thế nào là một mối quan hệ ảo tiềm ẩn những lừa lọc, đến khi bung bét ra, tất cả chỉ là hư vô.
Bỗng một hôm, bưu điện gửi giấy thông báo cho tôi đến trụ sở để nhận tiền. Tôi ngu ngơ chẳng hiểu tiền gì, đến nơi mới biết đó là tiền nhuận bút cho tác phẩm được in trên báo với lời giải thích về sự nhầm lẫn của biên tập viên.
Hôm sau, tôi lại phải ra bưu điện lần nữa để nhận bưu phẩm. Một chiếc hộp đủ dày để đựng vừa 3 cuốn sách, trong đó có một cuốn của Thế Phương. Phương viết tản văn về tình bạn, tình người, về những em bé học sinh Tây Bắc đựng cơm trong bị ni lông, chân đi dép nhựa, áo quần phong phanh vào những ngày đông giá rét. Tôi ngồi đọc mà hai hàng nước mắt chảy dài, xót xa và cảm động. Tôi giở bức thư của anh. “Biên tập của báo đã nhầm lẫn khi đăng tản văn Mùa bội thu của em. Tờ báo số sau đó đăng đính chính rồi, không biết em đã đọc chưa? Đừng hiểu lầm anh nữa…”. Trang mở đầu trong cuốn sách của Thế Phương có dòng chữ anh viết nắn nót “Tặng cô bé yêu sách”.
Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng