Duck hunt
Tin nhắn xếp hình
.Xtgem.com

Game online mobile

Thế Giới Giải Trí Trên Mobile Của Bạn

Truyện teen

Bạn đang đọc truyện online hay trên  di động tại  wapsitechuotnhat84.xtgem.com! Chúc bạn có những giây phút online vui vẻ

Thư gửi em từ những mùa mưa

Ngày mới vào lớp 10 trường trung học phổ thông Hoa Ban tôi vui lắm vì cả bản tôi chỉ có vài người đỗ cấp ba Hoa Ban mà thôi.

Đó là một trong những ngôi trường có chất lượng giảng dạy tốt nhất tỉnh, ở tít trên thị xã nữa. Nhưng tôi cũng thấy hơi lo sợ, ở trường cấp hai của xã tôi học khá nhưng chẳng biết lên thành phố học thì mọi chuyện sẽ thế nào.

Tôi là người dân tộc ít người, bố mẹ đều là những người biết ít cái chữ, bản thân tôi hồi đó nói tiếng phổ thông còn chưa thạo, cứ ngọng nghịu suốt. Các bạn người Kinh nghe vậy chẳng những không sửa cho mình mà còn hay nhại lại làm cho chúng tôi buồn và xấu hổ lắm. Chẳng biết may rủi thế nào, điểm tôi lại cao nhất lớp, trong buổi nhận lớp đầu tiên cô giáo đã bổ nhiệm tôi làm lớp trưởng, dĩ nhiên là tôi từ chối bằng sống bằng chết. Tôi không thích làm “cán bộ” chút nào, tôi không có kinh nghiệm. Cuối cùng nhờ từ chối quyết liệt tôi được xuống chức lớp phó học tập còn thằng Minh thì được làm lớp trưởng. Lúc đó tôi chẳng biết Minh là ai, nó được làm lớp trưởng vì điểm của nó xếp thứ hai sau tôi và vì tôi đã từ chối thẳng thừng cái chức đó trước tiên.

Cuộc đời học sinh đầy ác mộng của tôi đã bắt đầu từ ngày ấy, đó là một lớp học “đa chủng tộc”, có tới bốn năm dân tộc cùng học với nhau nhưng các bạn người Kinh chiếm phần lớn và đó là một cái lớp học nghịch như quỷ sứ. Mới vào lớp mười các bè phái đã được chia, thường thì những bạn người Kinh sẽ chơi với nhau, các bạn người Thái thì chỉ đi đi về về cùng người Thái, các bạn người Mông thì cứ tụm năm tụm ba nói tiếng “dân mình” chả cần ai hiểu... tôi thì trung lập. Hồi đó da tôi đen sạm vì nắng gió do phải đi đồi đi nương nhiều, tóc thì hơi xoăn mà lại đỏ như đuôi bò và rất lùn. Với một ngoại hình như vậy chắc các bạn nam chẳng ai để ý đến tôi, các bạn nữ cũng liệt tôi vào nhóm những bạn “xấu gái” nhất lớp. Người lập ra cái nhóm oái ăm đó là con Ly Ly, nó là con bé ghê nhất lớp tôi cứ ai động phải nó là biết thế nào là đời, nó nổi tiếng khắp trường vì mức độ chanh chua và ghê gớm nhưng mà được cái nó rất xinh, xinh nhất lớp. Đến bọn con trai con sợ nó nói gì đến bọn con gái nhu mì, câu đầu tiên mà nó mở mồm nói với tôi là: “Cậu là dân tộc à? Thái hay Xá?”. Thực ra nếu nó hỏi với ý tò mò thì khác nhưng đằng này tôi nhận ra trong giọng điệu của nó có ý “phân biệt chủng tộc” đến nơi rồi, tôi vừa ghét và vừa thấy hơi sợ nó. Nó là bạn thân của thằng Minh lớp trưởng mới ghê chứ, thằng đó là lớp trưởng mà nghịch không kém gì chẳng qua là nó lươn lẹo nên chẳng bao giờ bị thầy cô bắt được. Tuy cùng là cán bộ lớp nhưng thực ra chúng tôi kết hợp không ăn ý với nhau trong việc quản lớp.

Nhà tôi xa trường mười lăm cây số vậy mà mọi hoạt động lớn nhỏ của trường lớp tôi đều phải tham gia, mà phải tham gia nhiệt tình nữa là đằng khác vì thế mà tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều việc ở lớp thằng Minh cứ “phó mặc” cho tôi mà nếu tôi không hoàn thành thì biết tay nó. Tôi luôn oán trách bọn nó vì bọn nó không biết rằng tôi khổ sở như thế nào, bọn nó suốt ngày bàn chuyện đi picnic, ăn uống, tụ tập vui chơi, chơi game và “chát chít” qua internet trong khi đó những thứ đó với tôi là một cái gì đó quá xa vời. Sau mỗi giờ tan học tôi phải đạp xe về thật nhanh, ăn xong cơm là lại lùa đàn bò lên đồi, tối mịt trở về với gánh củi hoặc gánh ngô, gánh sắn nặng trịch ở trên vai. Bất cứ đứa con gái miền núi nào ở chỗ tôi cũng vậy cả, hầu như chỉ được học bài khi đêm đã về khuya đến sáng lại lóc cóc chuẩn bị đi học. Vậy mà chúng nó cứ bắt hoạt động nào tôi cũng phải tham gia, có nhiều lúc tôi đã nài nỉ cô giáo cho tôi... từ chức nhưng cô cứ bảo tôi cố gắng. Tôi hay được các thầy cô giáo quý nên càng bị cái bọn Ly Ly nó ganh ghét ra mặt.

Dần dần rồi tôi cũng chẳng thèm để ý gì đến nó, mặc nó cứ chọc tôi là “dân tộc thiểu số”, là “xá đen” gì cứ kệ, tôi cứ làm việc của tôi. Lâu rồi nó chán nó cũng chẳng làm gì tôi nữa nhưng tình hình giữa tôi với thằng Minh thì càng ngày càng căng thẳng, không hiểu sao mà tôi và nó luôn bất đồng quan điểm, đụng một tí là cãi cọ. Thằng Minh nói nhanh, tôi thì nói chậm vì sợ vấp và ngọng, tiếng phổ thông dù đủ dùng nhưng thật sự nếu đem ra để cãi cọ với thằng Minh hay bọn cái Ly Ly thì tôi không nổi. Tôi vẫn chưa quen những cách chửi khéo, những ngôn ngữ “kiểu teen” mà hồi đó bọn học sinh thường dùng. Nhiều lúc cãi nhau không cãi nổi lại còn bị nó chửi lại tôi ấm ức phát khóc, chúng tôi cãi nhau vì đủ thứ trên đời, đôi khi là chuyện chung của lớp đôi khi toàn là những chuyện không đâu. Thằng con trai duy nhất trong lớp mà tôi chơi thân cùng là thằng Thường, nó cũng là người nửa Kinh nửa Mường vì bố nó là người Mường mẹ nó là người Kinh. Tôi học cùng với nó hồi cấp hai nên thân thiết với nó nhất, nó luôn bảo vệ tôi. Thường cao to, đẹp trai và học giỏi nhất lớp dù điểm thi đầu vào của nó thấp nhất, nó là đối thủ đáng gờm của bọn thằng Minh.

Mặt thằng Thường lạnh như mặt tên sát thủ, nó là đội trưởng đội thể thao của khối nổi tiếng khó tính và lạnh lùng nhưng như thế mà vẫn khối em theo. Đầy đứa con gái trong lớp tôi mê tít nó, trong số đó có cả cái Ly Ly nhưng thằng này chẳng chơi được với đứa con gái nào ngoài tôi. Lí do chỉ có trời mới biết, chẳng cần ai nói tôi cũng thừa biết tình bạn của chúng tôi làm khối đứa ghen tị và... ngứa con mắt như bọn cái Lan, cái Ly Ly chẳng hạn. Dân gian ta chẳng hay có câu:

Yêu nhau yêu cả đường đi

Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng

Có lẽ vì thằng Minh ghét thằng Thường nên ghét lây sang tôi vì mặt thằng Thường lúc nào cũng lạnh như băng nên nó chẳng có cớ gì để gây sự với Thường vì thế mà nó suốt ngày chọc ngoáy tôi. Mà cũng có thể tự dưng nó thấy ghét tôi thôi, mà cũng chả biết được vì lí do quái quỷ gì. Tôi là người hay tự ái nên dễ bị tổn thương, cứ mỗi lần ở lớp bị thằng Minh nói này nói nọ tôi lúc đó tuy tỏ ra không quan tâm nhưng thật sự tôi thấy bị tổn thương vô cùng, tôi chỉ dám dành nước mắt về nhà để mà khóc. Cuối cùng cô giáo cũng đồng ý cho tôi thôi chức lớp phó, lên lớp mười một tôi hoàn toàn tự do. Nhưng mà tự do cái quái gì khi mà tôi lại phải ngồi cùng bàn với thằng Minh, cái năm học đó lại là cái năm ác mộng đối với cuộc đời học trò của tôi. Thằng Minh bắt đầu vạch bàn chia ra làm đôi, tôi mà vô tình lấn qua biên giới của nó là nó dùng thước kẻ vụt một cái đau điếng, có hôm quên sách giáo khoa nó chẳng cho xem chung lấy một tí. Nó còn hay phủi bụi, gạch mực lên vở và quần áo của tôi, hay nhổ kẹo cao su vào chỗ ngồi của tôi nữa... hồi đó tôi hậm hực chỉ dám chửi thầm nó là... thằng khốn.

Vì nhà nghèo nên tôi chẳng có nhiều quần áo để mặc, có hai cái quần thì dính bã kẹo cao su mất rồi, một cái áo sơ mi trắng duy nhất thì nham nhỏ vết mực. Tôi căm hận nó đến xương tủy, rồi mùa hè cũng đến trời mưa nhiều nên cây cối trở nên xanh tốt lạ, quả đồi phía sau trường có rất nhiều cây mà cũng nhiều sâu bọ. Có những loại sâu to bằng ngón chân cái và dài chắc phải đến cả chục xăng ti mét, chỉ nhìn thấy đã thấy phát hãi. Thế mà mấy thằng nghịch ngợm ở trong lớp tôi dám bắt về để dọa bọn con gái, trong số bọn con gái thì chắc chỉ có bọn Ly Ly là không ghê tởm cái loài quái vật ấy. Trong một giờ học tiết Toán của thầy Bình “thép”, tên thầy được ghép thêm chữ “thép” vì thầy rất nghiêm khắc và tính rắn như “thép”. Tôi đã hét toáng và chạy ra khỏi chỗ ngồi khi vô tình phát hiện thấy một con sâu lá khổng lồ trong ngăn bàn chỗ thằng Minh, nó sắp chuẩn bị bò sang chỗ tôi. Thầy giáo tức tím mặt nhìn về phía tôi, tôi không nói được gì chỉ lắp bắp: “Thưa thầy... s...â...uuu ạ!”.

Vì cái tội mang “quái vật” vào lớp học, thằng Minh bị phạt tưới cây ba ngày, chắc nó hận tôi phải biết. Thấy nó bị phạt tôi chỉ càng thêm lo nhỡ nó quay trở lại trả thù mình, điều lo lắng của tôi quả không sai mấy ngày sau đó nó vẫn bình thường không tỏ ra có vấn đề gì. Nhưng đến ngày lao động cuối năm nó mới bắt đầu ra tay, lúc cô giáo ra về nó kêu cả lớp ở lại họp liên hoan cuối năm học. Mọi người ngồi vào chỗ ngồi của mình và bàn chuyện, mọi thứ đang diễn ra sôi nổi như bình thường bỗng tôi thấy như có cái gì bò lổm nhổm trên đầu, đưa tay lên sờ thì cảm giác nhột nhạt ở đầu ngón tay. Tôi liền đứng phắt dậy một lũ sâu lá trên đầu bỗng rơi xuống bàn tôi giật mình hoảng hốt thằng Minh đứng ở phía sau cầm hai con sâu nữa trên tay thả vào trong áo tôi. Hoảng sợ đến tột độ, tôi hét toáng lên và nhảy ra khỏi chỗ ngồi của mình tay áo bị móc phải cái đinh thừa trên bàn làm rách toạc một mảng áo to đùng. Như bị sốc quá nặng tôi ngồi bệt hẳn xuống đất, mặt thẫn thờ muốn khóc mà chẳng khóc được.

Thằng Thường biết rõ tôi sợ sâu đến thế nào, nó chạy tới đỡ tôi dậy, may sao hôm đó đi lao động nó mặc hai cái áo một áo phông bên trong và áo sơ mi bên ngoài. Thường liền cởi áo ngoài ra khoác vào cho tôi một cách nhanh chóng và đưa tôi đi về, tôi có cảm giác như mặt mình tái đi không còn giọt máu nào chỉ có nước mắt như tự dưng tuôn rơi. Dìu tôi đi được một đoạn, thằng Thường quay lại đập mạnh tay lên bàn chỉ thẳng vào mặt thằng Minh nói: “Nếu mày là một thằng con trai thì mày quá hèn đấy Minh ạ”. Sau khi ra khỏi cổng trường, tôi mới khóc nấc lên Thường đưa tôi qua quán nước bà Phương nó gửi xe máy ở đó, vì nhà trường cấm học sinh mang xe máy đến trường nên nó phải gửi xe máy ở bên ngoài. Quán nước bà Phương lúc đó vắng, tôi ngồi nép vào chiếc ghế sát bờ tường trường học, dưới gốc một cây vú sữa.Thường lo lắng hỏi tôi có sao không, tôi liền òa khóc to hơn, tôi vừa khóc vừa tủi thân nói mếu máo”

- Thường ơi!...hu hu hu... biết thế này thì tôi chả đi học làm gì, ở nhà lấy chồng như bọn con Bun còn hơn, đi học khổ lắm. Quần áo thì chẳng có mà mặc mà còn bị cái bọn ác ôn nó làm hỏng mất, bố mẹ tôi ở nhà lúc nào cũng khuyên cố gắng học cho giỏi về giúp bố mẹ thoát nghèo mà cứ thế này làm sao chịu nổi. Chưa thoát được cái nghèo chắc tôi đã chết rồi cũng nên, chiếc áo này là của mẹ may cho năm lớp chín để dành mãi thỉnh thoảng mới mặc thôi vậy mà nó đã rách tan tành rồi. Chúng nó chỉ biết hại người thôi, từ năm học sau tôi về nhà lấy củi, làm nương giúp bố mẹ và nuôi các em tôi ăn học thôi tôi không đi học nữa.

- Đừng có dại, tôi sẽ cho bọn nó biết tay!

Thường dằn mạnh mấy tiếng đó, nhưng tôi chẳng muốn ai vì tôi mà sứt đầu mẻ trán, tôi lắc đầu khóc một hồi nữa nghe thảm thiết kinh khủng rồi bảo Thường:

- Thường hứa với tôi, cố gắng mà học cho giỏi đừng lượn xe máy lung tung nữa nhé, cố mà học sau này thành người có ích rồi biết đâu tôi lại nhờ vả gì. Tôi không đi học nữa, tôi...tôi sợ lắm rồi. Thường cố mà học cho cả phần tôi nữa, ước mơ của tôi là trở thành bác sĩ tôi muốn chữa lành bệnh cho mẹ tôi, mấy tháng nay mẹ tôi không đi ra khỏi nhà được rồi. Nhưng tôi sẽ đi làm nương với bố thôi, cho con em tôi nó đi học thôi, tôi không học được nữa đâu...

Thường không có kinh nghiệm khuyên bạn bè trong những lúc như thế này, nó để mặc tôi khóc thỏa thuê rồi đèo tôi về nhà bằng xe máy của nó. Về đến nhà tôi lao vào tắm gội như chưa từng được tắm gội bao giờ vậy. Năm nay tóc tôi đen và thẳng hơn trước nhiều vì tôi hay gội nước cây lá rừng, nhưng cứ nghĩ đến mấy con sâu kia tôi lại chỉ muốn cắt phang nó luôn cho rồi. Từ hôm đó tôi không đến trường nữa, cũng chỉ còn mấy buổi lao động, liên hoan và tổng kết cuối năm nữa nhưng tôi chả đi mặc kệ thằng Thường cứ đến rủ. Tôi lên nương suốt, ở ngay trong lán đến nhà cùng không về. Mẹ tôi bị bệnh không đi nương được nên tôi phải cố làm cho xong nương, tôi nói với thằng Thường là muốn bỏ học nhưng thực ra càng nghĩ tôi lại càng không thể làm thế. Tôi phải tiếp tục đi học vì bố mẹ và các em tôi nhưng tôi quyết định sẽ chuyển trường, trường huyện cách nhà tôi mười cây, lấy lí do để đi lại cho gần hơn vì năm cuối cấp rồi chắc bố tôi sẽ đồng ý. Vì thế mấy buổi lao động đầu năm học sau tôi cũng chẳng thèm đến trường nữa nhưng cái tin tôi định bỏ học đi lấy chồng không biết thế nào mà lan truyền đi khắp lớp, có khi khắp trường nữa.

Một buổi chiều đi hái rau ngoài đồng về, tôi thấy một đống xe ngoài sân có cả xe thằng Thường và bọn thằng Minh nữa, tôi thấy ngạc nhiên và cũng hơi sợ, chẳng nhẽ bọn thằng Minh lại đến tận nhà để châm chọc tôi một lần nữa, tôi ngầm chửi nó là thằng khốn và rón rén đi vào nhà để củi ở góc sân. Thấy tôi đi vào sân, bọn trong nhà ùa ra, tôi vẫn quay mặt lại với bọn chúng và không thèm nhìn đứa nào hết. Thằng Hùng “cám” chào tôi lịch sự: “Em chào chị” và sau cả bọn cùng đồng thanh lại câu đó. Tôi nghe mà tức người, chúng nó dám trêu tôi. Bỗng giọng Thường vang lên: “Sa May đấy, chị cái đầu chúng mày!”. Cả bọn ngạc nhiên, tôi quay đầu lại nhìn bọn nó lạnh lùng, đúng là chúng nó không nhận ra tôi thật. Vì nghĩ nhiều, làm nhiều mà chỉ hơn hai tháng hè tôi đã sút đi năm cân liền nhưng bù lại tôi cũng cao lên chừng ấy xen ti mét nữa. Tôi hay bịt kín mặt mũi khi đi làm nên da cũng bớt đen sạm đi nhiều, tôi lại mặc áo Cóm, váy và quấn khăn Piêu trên đầu trông lạ nên chúng không nhận ra là phải.

Tôi vào nhà tiếp chuyện chúng mặt vẫn lạnh lùng như vậy, tôi không cười đùa nửa miệng, thấy tôi vậy chúng nó cũng im lặng nhìn nhau. Hầu như cả bọn lớp tôi đều đi cả, ngoại trừ cô giáo chủ nhiệm và bọn cái Ly Ly. Thằng Hùng cám phá tan không khí im lặng đó, nó luôn vậy không bao giờ nhịn nói được nổi một phút.

- Sa May định nghỉ học hẳn đi lấy chồng thật à? Còn một năm nữa thôi, trồng cây sắp đến ngày hái quả rồi lại bỏ à?

Tôi vẫn không nói gì, cái Hà, cái Ban là hai đứa chơi thân với tôi nhất ở lớp chúng nó cũng không biết ý định của tôi, mấy lần chúng tìm đến nhà tôi nhưng chẳng bao giờ gặp tôi, chúng nó cũng sốt sắng:

- Thật à Sa May? Mày định đi lấy chồng thật không học cùng bọn nữa sao?

- May đừng có nghĩ như thế, cố mà học đi còn một năm nữa thôi, may học giỏi thế mà bỏ học sao? Dù ai có nói gì, làm gì thì đừng có mà để ý mày cứ việc mà học thôi. Học cho mình chứ học cho ai...

Vừa nói Hà vừa liếc sang Minh một phát để lườm nó với vẻ như đang chửi khéo nó, chắc nó chẳng muốn đến nhà tôi mà làm gì nhưng có lẽ vì là lớp trưởng vì nghĩa vụ và trách nhiệm nên nó mới đến mà thôi. Nhìn thấy cái mặt nó tôi lại thấy tức, nó cứ cúi gằm xuống không nói gì, cả bọn lớp tôi cứ mỗi người khuyên can, động viên một câu. Chúng nó còn bảo chúng nó được cô giáo chủ nhiệm, hiệu trưởng và hội trưởng hội phụ huynh cử đến để khuyên tôi quay trở lại trường, ngay ngày hôm sau tôi mà không đi học thì bọn nó sẽ không về nhà. Thằng Hùng cám còn thuyết giải hùng hồn, bảo tôi hãy nghĩ cho gia đình cho tương lai tươi sáng mai này nữa v.v... Năm nay lớp tôi có vẻ khác hơn mọi năm, hình như ai cũng có vẻ trở nên trưởng thành hơn thì phải, cứ nghe bọn nó nói mà tôi thấy cảm động quá, chúng nó cứ làm như lớp không có tôi thì sẽ phải giải thể không bằng ấy. Để bọn nó phát biểu hết ý kiến, tôi mới nói sau một hồi lâu im lặng:

- Cảm ơn các bạn tớ không học cùng các bạn nữa đâu, tớ cũng không ở nhà lấy chồng. Tớ sẽ chuyển về trường huyện học, tuần sau chắc mọi thủ tục sẽ xong tớ sẽ xuống trường huyện học cho gần, tớ... tớ cảm ơn các cậu vì đã đến đây...

Tôi không biết nên nói gì tiếp theo đó nữa, đã trưa rồi, bố mẹ tôi hôm đó ăn cơm ở trên nương không về, đường về nhà tôi vất vả thế chắc chúng nó cũng thấm mệt nhưng tôi không dám mời chúng nó ở lại ăn cơm. Vì nhà tôi chỉ có cơm độn sắn và rau rừng, rau ruộng thôi, tôi rất ngại với lại chúng nó có đến ba mươi đứa mà ngôi nhà sàn của tôi thì bé tí, ngồi ăn uống làm sao thoải mái được. Sau khi nghe tôi nói vậy chúng nó im lặng nhìn nhau rồi chẳng ai nói gì nữa, cái Hà, cái Ban lại năn nỉ này nọ nhưng ý tôi đã quyết dù thật sự tôi cũng thấy có cái gì đó không thoải mái. Thằng Thường đặt tay lên vai không nói gì, như vậy có nghĩa là nó ủng hộ quyết định của tôi, cái Hà nhìn tôi thở dài rồi nói với cả bọn:

- Muộn rồi chúng mày về đi thôi, Sa May chắc chiều nay còn bận, mọi người về nhà tao ăn cơm chắc giờ này bố mẹ tao cũng chuẩn bị xong rồi.

Hóa ra bọn nó đã hẹn nhau trước là ăn cơm ở nhà cái Hà, nhà cái Hà ở gần ủy ban nhân dân xã bố mẹ nó bán hàng tạp hóa, đó là cửa hàng tạp hóa to nhất xã cách nhà tôi khoảng sáu cây số. Nói đến ăn uống, thằng Hùng cám có vẻ phấn khởi hẳn lên, nó tiếp lời cái Hà ngay:

- Ừ để chiều còn về chuẩn bị ngày mai đi khai giảng, không đến đủ là lại bị phạt đi lao động đấy.

Cả bọn bắt đầu kéo nhau ra về, mấy đứa con gái đi qua cửa ngó vào cái rổ mận và nho rừng để trên kệ bếp, mọi khi bọn này cứ thấy cái ăn là xúm vào nhưng chẳng hiểu tại sao lần này chúng nó chỉ liếc qua rồi bỏ đi. Tôi cũng bất cẩn quá, từ khi chúng lên nhà tôi không mời chúng nó uống nước cũng không lấy mận, lấy nho rừng ra cho chúng nó ăn, thịt thà cá mú thì nhà tôi không có nhưng rau dưa hoa quả thì nhiều. Toàn lấy từ rừng và nhà trồng cả, tôi kiếm mãi khắp nhà mới được cái túi nilon to đổ cả rổ hoa quả vào đó, khi cả bọn đã lần lượt đi ra khỏi cổng tôi mới gọi với theo chúng nó liền dừng lại quay ra nhìn tôi. Tôi để cái túi quả lên giỏ xe đạp của cái Ngân, bảo là tôi tặng bọn nó rồi chạy lên nhà ngay. Bỗng tôi thấy cứ buồn buồn làm sao, không hiểu thế nào mà tôi lại khóc, rồi tiếng mấy con lợn kêu inh ỏi vì đói mới làm tôi sực nhớ ra còn bao công việc nhà tôi phải làm. Tôi xuống cho lợn, gà ăn rồi chẻ củi, tôi không đói nên bỏ qua bữa trưa. Tôi mang theo giỏ quần áo bẩn của cả nhà và cái thùng gánh đi ra suối, mới bước xuống cầu thang thì thằng Minh lao xe máy tới. Chỉ có một mình nó, tôi chắc nó để quên cái gì đó. Tắt máy xuống xe, nó cứ đứng như chôn chân trước mặt tôi chẳng nói chẳng rằng, cái thằng lì nó muốn tôi mở lời trước. Tôi vẫn ôm giỏ quần áo và gánh thùng vẫn trên vai, tôi hỏi:

- Để quên cái gì à?

- Ừ... không!

Nó trả lời mà tôi chả hiểu ý nó muốn nói là gì cả, tôi liền quảy gánh đi thẳng, Minh gọi với theo:

- Sa May, tớ có chuyện muốn nói với bạn!

Cách xưng hô lạ lùng của Minh làm tôi bối rối, trước đây toàn mày tao chí tớ bây giờ nó bảo bạn và tớ nghe cứ ngượng hết cả người, tôi dừng lại nhưng không quay lại nhìn, thằng Minh im lặng một lúc rồi “ném” ra một lời xin lỗi từ phía sau lưng làm tôi giật mình.

- Xin lỗi Sa May, xin lỗi bạn rất nhiều!

Tôi đứng ngây ra một lúc vẫn giữ nguyên mấy thứ đồ trên người, thằng Minh mà đi xin lỗi ngườ khác quả là chuyện hiếm hoi, tôi nói:

- Vì cái gì?

- Vì... vì... vì tất cả.

- Ừ!

- Bạn sẽ quay trở lại trường học với chúng mình chứ?

Giọng nói nghe khác hẳn trước đây, thật sự nghe nó rất chân thành đến nỗi làm tôi thấy ngờ vực đôi tai của mình, tôi bảo.

- Tôi chuyển trường không phải vì tôi giận cậu.

- Vậy thì vì sao?

- Đó là lí do của tôi.

- Thế là bạn vẫn không tha thứ cho tớ à?

Tôi đặt mọi thứ xuống đất, quay lại nhìn Minh mặt nó lúc này cúi gằm xuống chân nó, tôi đi về về cầu thang nhà sàn, ngồi xuống bậc thang lần này là tôi nhìn nó từ phía sau. Nó quay lại chỉ để xin lỗi tôi thôi ư? Nó bảo tôi hãy tha thứ cho nó, tôi không biết phải nói gì, sự im lặng lúc này làm tôi thấy ngại tôi thấy tốt nhất là Minh nên về, tôi không muốn thay đổi quyết định của mình:

- Cậu về đi, tôi còn bận.

Lần này Minh quay sang nhìn tôi mà nói:

- Tớ xin lỗi, nếu cậu có thể tha thứ được cho tớ thì hãy quay trở lại trường đi, đừng chuyển làm gì, năm cuối rồi.

Nói xong câu đó nó về thẳng, bỗng dưng tôi thấy tôi đã hết giận nó nhưng thật sự tôi rất đắn đo vì tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để chuyển trường.

Ngày còn lại của hôm đó trôi qua rất chậm, cuối chiều cơn mưa cuối mùa hạ đổ xuống như thể mấy ngày nữa cũng không tạnh, giờ mà đi vào bản tôi thì chỉ có dính đầy bùn khắp người thế mà đến tối thằng Thường lại đến nhà tôi, nó dúi vào tay tôi một cái phong bì rồi biến thẳng. Đến khuya tôi mở phong bì ra xem thì thấy đó thư thằng Minh gửi, tôi nhận ra ngay từ những nét chữ dài dài nhọn nhọn của nó.

Gửi Sa May!

Tớ không biết nói thế nào, nhưng trước tiên tớ phải nói lời xin lỗi trước đã. Tớ đã đùa bạn một cách quá đáng, thời gian qua cứ nghĩ bạn phải bỏ học vì tớ mà tớ thấy ân hận quá. Hãy quay trở về với lớp mình đi, tớ hứa sẽ không trêu chọc bạn nữa, chuyển trường bây giờ cũng vất vả lắm và bạn có thể bị chậm chương trình học nữa vì bây giờ bạn đã chuyển được đâu. Năm nay vào học sớm trước khai giảng cả tuần rồi mà bạn còn chưa đi học buổi nào. Bạn mà không quay trở lại,không trở thành bác sĩ thì sẽ là lỗi tại tớ. Tớ xin lỗi.

Tôi chẳng biết thế nào nữa vì tôi không tin là thằng Minh có thể nặn ra được những cái chữ này, mà cũng không biết sao nó lại biết tôi muốn làm bác sĩ. Bố vẫn chưa đi làm thủ tục chuyển trường được cho tôi, cứ để thế này lâu tôi sợ cô giáo chủ nhiệm sẽ xuống tận nhà và bố mẹ sẽ biết được sự thật lí do tôi muốn chuyển trường thì không ổn. Tôi sợ bố mẹ lo lắng cho tôi hơn là sợ họ quát mắng tôi, cả đêm hôm đó tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được, hơn bốn giờ sáng tôi mở hòm lấy bộn quần áo còn mới nhất mặc vào và chuẩn bị đi học, tôi nói với bố mẹ là không chuyển trường nữa.

Thấy tôi trở lại mọi người đều ngạc nhiên, cái Hà cái Ban thì nhảy lên ôm chầm lấy tôi cứ như thể hôm qua chúng nó vẫn chưa gặp tôi vậy. Rồi mọi chuyện cũng trôi đi qua rất nhanh, tôi phải tăng tốc để học theo kịp bài vở trên lớp, cái tin đồn tôi suýt bỏ học đi lấy chồng vẫn cứ râm ran đâu đó nhưng tôi chả thèm để ý. Tôi bắt đầu giống thằng Thường, mặt cứ lạnh tanh suốt ngày chỉ có học học và học, tan trường một phát là về thẳng không đợi chờ ai hết. Cái Ly Ly cũng chẳng đả động gì đến tôi nữa, mọi người bảo tôi bị trầm cảm tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng là tôi trở nên ít nói đi rất nhiều, một hôm đi lao động trong giờ giải lao, tôi chui vào một góc và mượn máy nghe nhạc của thằng Thường nghe những bài hát của anh Quang Vinh. Tôi đeo tai nghe và chẳng chú ý gì đến xung quanh cả, trái hẳn với tôi năm học cuối Thường hay nói hơn, nó đập tay vào lưng tôi:

- Sa May có biết mọi người đang nói gì về mình không?

Thực ra tôi định bảo là không quan tâm nhưng sau đó lại hỏi lại:

- Chúng nó nói xấu gì tôi à?

- Không, toàn nói đẹp cả, bảo Sa May năm nay xinh lên nhiều, học giỏi hơn nhiều và lạnh lùng hơn tôi gấp bội.

Kì học của năm cuối thành tích học tập của tôi khá cao nhưng lại bị phê bình là không hòa đồng, đấy là cô giáo chủ nhiệm phê bình riêng với tôi. Tự bản thân tôi cũng thấy tôi ngày càng xa cách mọi người. Sang kì hai cô giáo lại đổi chỗ cho cả lớp, chẳng hiểu thế nào mà tôi lại ngồi cung bàn với thằng Minh. Lúc tôi chuyển sang chỗ nó, cái Ly Ly tận ở bàn trên cùng quay xuống bảo:

- Sướng nhé! Minh ơi thế là từ nay ông đỡ phải quay xuống rồi.

Tôi không hiểu ý cái Ly Ly là gì sau này cái Hà có nói với tôi rằng, năm lớp 12 khi tôi còn ngồi cách thằng Minh hai bàn, nó thỉnh thoảng cứ hay quay xuống nhìn tôi. Lần này sang ngồi cạnh nó, nó không vạch bàn chia ra như trước nữa, tôi hay đến muộn hơn nên nó lúc nào cũng lau sạch sẽ cả chỗ ngồi cho tôi. Nó hay quên sách, quên bút hoặc thước kẻ và cứ quay sang mượn tôi nhiều lúc cũng chả hỏi han gì. Tôi cũng kệ nó, miễn sao nó nhớ trả lại là được. Tôi và nó chả bao giờ nói chuyện, ngoại trừ giờ thảo luận bài mà những lúc đó cũng chỉ nói về bài tập. Giờ ra chơi tôi hay ngồi tại chỗ lôi sách của môn kế tiếp ra học, càng về cuối năm chúng tôi lại hay có những giờ tự học, thầy cô thường cho bài tập, yêu cầu học sinh tự làm trong một hai tiết, rồi tiết sau kiểm tra. Thực ra những giờ đó có mấy ai học đâu, toàn ngồi chơi không, lớp đóng kín cửa lại ồn ào như cái chợ vỡ chả tập trung vào học được, tôi cũng ngồi gục xuống bàn mượn máy nghe nhạc của thằng Thường nghe. Một lần nó để quên máy ở nhà, tôi quay lên thấy bứt rứt vì nghe nhạc mỗi ngày đã thành một thói quen, tôi không có máy nghe nhạc hay điện thoại di động, toàn mượn máy nghe nhạc của thằng Thường. Thế mà nó lại để quên, lúc đó thằng Minh quay sang chìa cái máy nghe nhạc của nó bảo cho tôi mượn, tôi không ngần ngại mà vô tư cầm lấy cái tai phone gài lên tai. Nằm gục xuống bàn, ngoài cửa sổ những cành phượng với những chùm hoa đỏ rực đang vươn mình trong nắng hạ, những giai điệu buồn của bài hát Tạm biệt do anh Quang Vinh hát lại vang lên làm lòng tôi bỗng thấy buồn buồn. Từ hôm đó mỗi giờ trống tiết hay tự học tôi không mượn máy nghe nhạc của thằng Thường nữa, thằng Minh luôn để máy nghe nhạc trong ngăn bàn cứ mỗi lần tôi muốn nghe nhạc là cứ lấy không cần hỏi ý kiến của nó.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, hết năm học tôi thành một người trầm lặng nhất lớp, cả lớp với gần bốn mươi con người mỗi người đều đi một ngả. Buổi liên hoan chia tay kết thúc một thuở học trò của lớp tôi diễn ra tại một nông trại xinh đẹp của chồng cô giáo chủ nhiệm. Hôm đó chúng tôi được phép uống rượu, thằng Thường cùng với mấy thằng trong lớp tôi uống say rồi lăn ra ngủ luôn trên đống rơm khổng lồ ở giữa nông trại. Nó hứa đưa tôi về mà lại lăn ra ngủ, trời nhá nhem tối mà tôi đâu có biết đi xe máy, đang lo lắng không biết làm thế nào thì thằng Minh hỏi có về cùng nó đưa về. Tôi để thằng Minh đưa về nhà, đến nơi nó mở cốp xe đưa tôi cái hộp quà bảo là quà tặng chia tay. Tôi định từ chối nhưng nghĩ dẫu sao đó cũng là lần cuối cùng nên nhận. Mấy ngày sau tôi mới mở món quà ra xem, tôi hết sức bất ngờ bởi đó là một món quà đắt tiền một cái máy nghe nhạc với rất nhiều bài hát về tình yêu ở trong đó. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Minh nhưng không biết liên lạc cho nó như thế nào, tôi nghĩ mình cũng nên tặng lại nó một món quà để gửi lời cảm ơn. Khốn nỗi tôi chẳng biết nhà cửa nó ở đâu, số điện thoại hay bất cứ cái gì. Tôi lại ngại hỏi mấy đứa trong lớp kể cả thằng Thường.

Vài tháng sau tôi mới chuẩn bị được món quà cảm ơn gửi đến nó, vì bận xuống thành phố nhập học nên tôi không tặng trực tiếp được mà phải nhờ thằng Thường. Không biết thằng Minh đã nhận được món quà của tôi chưa mà chẳng thấy nó hồi âm lại, cứ mỗi lần nghe nhạc tôi lại thấy nhớ đến nó, một nỗi nhớ kì lạ mà tôi không giải thích được. Tôi rất muốn gặp nó dù không biết gặp để làm gì nhưng tôi và nó vẫn cứ bạc vô âm tín suốt, năm tháng sau đó gặp lại Thường, nó nói với tôi là Minh đã lên đường đi du học cách đó hơn một tháng, trước khi đi nó nhờ Thường gửi tôi một lá thư. Chợt cái tin thằng Minh đi du học làm tôi thấy buồn biết bao, cảm giác như mình đã đánh mất một cái gì đó, cảm giác ấy tôi không thể gọi bằng tên, không thể diễn tả bằng lời.

Tôi hồi hộp và thấy tim mình đập thình thịch khi nhận lá thư của Minh từ tay Thường. Lần thứ hai nó viết thư cho tôi, và lần này tôi cũng nhận thư nó trong một ngày mưa tầm tã. Không biết lần này nó đã viết những gì, dù rất hồi hộp nhưng tôi không dám đọc ngay, đợi đến khuya khi mọi người đã đi ngủ hết tôi mới bóc lá thư, vẫn là nét chữ ấy và cũng vẫn là một bức thư với những dòng chữ ngắn ngủi nhưng nó làm đôi mắt tôi nhòe đi, có một cái gì đó dường như mãi xa vời trong tôi.

Em đến từ mùa xuân của núi rừng

Hóa thành bông hoa đẹp giữa lòng anh

Mai xa cách muôn trùng núi mây

Gửi lời thương thì thầm theo gió

Biết có bao giờ ta gặp lại nhau nữa

Em có hận những mùa mưa trước

Khi anh vô tình làm giọt lệ em rơi?

Em ở lại bình an cô gái Thái!

Xa thật rồi, anh chẳng kịp nói lời yêu thương...

 

Lá thư ấy làm lòng tôi như se thắt lại, tôi thấy trong lòng trào dâng một nỗi tuyệt vọng lớn lao, có lẽ tôi đã thích Minh từ lâu và cậu ta cũng vậy nhưng đến phút giây này mọi thứ đã muộn màng rồi. Chợt tôi thấy lòng buồn và đêm hôm ấy tôi đi ngủ, mơ về những mùa hè xa thật xa. Bốn năm sau sẽ có một cuộc họp lớp lớn, tất cả mọi người đã hứa sẽ đến hết dù thế nào đi nữa, tôi sẽ chờ đến ngày ấy và tôi lại mơ ngày qua ngày.

Hoa Thược Dược

Thống kê truy cập

online tren wap
Hôm nay:1
Tổng số:335
Copyright(c) Huỳnh Lâm

Email: lamhien863@gmail.com

Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng