Insane
Tin nhắn xếp hình
.Xtgem.com

Game online mobile

Thế Giới Giải Trí Trên Mobile Của Bạn

Bạn đang đọc truyện online hay trên  di động tại  wapsitechuotnhat84.xtgem.com! Chúc bạn có những giây phút online vui vẻ

Đang ngồi dán vào bức tường trắng toát, thị nhao ra kéo ô cửa kính cho khỏi nước mưa. Hắn vẫn thiêm thiếp ngủ, giấc ngủ trẻ thơ thơ thới sau những cơn đau. Thị đến bên kéo tấm chăn cuối giường đắp ngang ngực hắn. Rồi thị lại thu lu ngồi vào một góc. Thị trân trân nhìn hắn.

Mắt dân dấn lệ, nỗi giận nỗi thương như hai dòng nước đan bện vào nhau lúc dềnh lên khi lắng xuống. Những ngày này, nếu không có sự gì, thì gia đình thị có lẽ cũng sẽ như bao gia đình khác đầm ấm vui vầy...

Đã hai mươi sáu tháng Chạp mà cơn giông bỗng đâu kéo về sầm sập. Gió thông thốc thổi, quạt tung những chiếc lá và rác rưởi dưới khoảng sân bệnh viện thành một vòng xoáy quay tít mù. Mây đen kìn kịt kéo đến như những hung thần. Rồi mưa. Ràn rạt trên cây lá. Lộp độp trên mái tôn. Đang ngồi dán vào bức tường trắng toát, thị nhao ra kéo ô cửa kính cho khỏi nước mưa. Hắn vẫn thiêm thiếp ngủ, giấc ngủ trẻ thơ thơ thới sau những cơn đau. Thị đến bên kéo tấm chăn cuối giường đắp ngang ngực hắn. Rồi thị lại thu lu ngồi vào một góc. Thị trân trân nhìn hắn. Mắt dân dấn lệ, nỗi giận nỗi thương như hai dòng nước đan bện vào nhau lúc dềnh lên khi lắng xuống. Những ngày này, nếu không có sự gì, thì gia đình thị có lẽ cũng sẽ như bao gia đình khác đầm ấm vui vầy, vợ chồng con cái dắt díu nhau chợ búa sắm sanh, dọn dẹp nhà cửa quang quẻ, sạch sẽ, rồi líu ríu nấu nấu nướng nướng mà ăn uống hỉ hả cho bõ cả năm vất vả, tất bật, vội vàng. Ấy thế mà hắn và thị phải ở nơi này. Hai đứa con tong teo, ho hắng tựa hai con mèo hen vứt nhờ bà ngoại chả biết ăn uống, khóc cười ra sao. Như có ai xát muối vào lòng thị, nước mắt thị lại thánh thót rơi trên hai gò má nhọn hoắt.

Mưa vẫn văng vãi điên cuồng. Gió lồng lộn rú rít như mụ đàn bà độc địa. Tiếng gió, tiếng mưa càng làm thị buồn. Nhớ…

*

Cánh cửa bật mở, con Chiêm rú một tiếng thê thảm, lăn đùng ra đất. Thị chồm về phía con bé, thất kinh trước những gì vừa đập vào mắt thị. Ngay sau cánh cửa, chính giữa nền nhà, con Vàng, con chó đốm lưỡi, chân huyền đề, nổi tiếng khôn ranh nằm giữa vũng máu. Đầu nó bị cắt rời khỏi thân, hàm răng nhe ra, hai mắt trắng dã hướng lên trời uất ức. "VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC!". Hàng chữ khá to viết trên tờ A4 đặt cạnh xác con chó. Ý nghĩ như luồng điện chạy trong óc thị: Thị nào gây thù chuốc oán với ai. Rõ ràng đây là hành động cảnh cáo của kẻ nào đó đối với chồng thị. Lòng căm tức, nỗi xót xa, sự sợ hãi cùng lúc ngập ứ nơi cổ họng thị, bật lên thành những lời tru tréo, ai oán:

- Quân thất nhân thất đức! Quân khốn nạn! Ối làng nước ơi là làng nước ơi... ời...

Sau tiếng kêu của thị, người trong xóm đã kéo đến chật cứng nhà. Nhìn mẹ con thị, nhìn xác con chó, người ta bàn ra tán vào.

Dù thương xót con chó nhưng thị không thể đem chôn. Hai trăm ngàn cũng đủ vớt vát phần nào nỗi xót xa công chăm bẵm, nuôi nấng của thị. Một gã mặt rỗ chằng chịt, có cái môi Lục Tốn ngoái lại hềnh hệch cười: "Khuyến mãi cho ông bà chủ nửa chân sau nhé!". Thị nói như xua đuổi: "Đem đi, đem hết đi!". Thị biết dù con Vàng có thành bát rựa mận béo ngậy hay đĩa dồi vàng ruộm, thơm điếc mũi thì cả nhà thị cũng không thể nuốt nổi. Nhất là hắn. Con Vàng này một người bạn đồng ngũ xã bên đã tặng hắn, hắn quí con Vàng như con Chiêm, thằng Vụ. Thế mà hắn đi đâu, đến cơ sự này cũng không thấy ló mặt. Những người đàn bà đã về hết, bà thím cũng có việc phải chạy về. Bóng chiều nhập nhoạng. Giun dế bắt đầu rên rẩm. Trong căn nhà nhờ nhờ tối có hai mẹ con sao thị vẫn thấy cô đơn và âm ỉ một nỗi sợ hãi. Con Chiêm kêu đói. Dường như thị không để ý lời của con bé. Thị ôm nó vào lòng, nước mắt cứ thế lã chã rơi. Mãi một hồi lâu, con bé vẫn kêu đói, nhớ ra là còn mấy chiếc bánh xốp cũ và hộp sữa tươi, thị đi lấy cho con. Bụng thị sôi réo lên, miệng lại đắng ngắt. Thị sẽ không thể nuốt nổi một thứ gì nên thị không có ý định xuống bếp. Ăn xong, con Chiêm đã ngủ vùi vào lòng thị từ lúc nào. Tội nghiệp con bé, sinh ra không được khỏe mạnh, nhà lại túng quanh năm, tám tuổi rồi mà con bé vẫn như đứa mới vào lớp 1. Da dẻ xanh xao, tóc hoe hoe khen khét mùi nắng cháy.

Nước mắt thị vẫn không ngừng túa ra. Nhiều lúc thị tự hỏi nước mắt thị từ đâu mà nhiều đến thế? Hay cái số kiếp, cái cuộc đời khốn khổ của thị là một mạch ngầm ào ạt, nó có thể phun ra những giọt buồn, giọt tủi bất cứ lúc nào. Dưới ánh điện lờ mờ, thị lại nhớ cái lần con bé Chiêm bị sốt, lên cơn co giật. Thị đã nhờ người sục sạo đi tìm mà không thấy tăm hơi hắn đâu. Thị dài cổ ngóng hắn, lửa thiêu gan ruột thị. Đến khi thị mếu máo trước phòng cấp cứu trên bệnh viện huyện thì hắn mới xồ tới. Không nén giận, mặt đanh lại, thị rít lên:

- Đi chết đâu bây giờ mới ló mặt ra!

Giận tím mặt nhưng hắn đành lặng im. Trong hắn cái sự tự trách mình chưa được chu toàn với vợ con còn lớn hơn cả cơn giận. Hình như hắn đã quá bỏ bê việc nhà để lo việc thiên hạ. Hắn đi phục một vụ đánh bạc, đâu ngờ nhà xảy ra chuyện. Hắn ngồi lút vào chiếc ghế ngoài hành lang, đầu rũ ra những sợi rơm rối. Thấy hắn có vẻ bỏ ngoài tai lời nói của mình, thị lại gào lên:

- Ới con ơi là con ơi, khổ thân con tôi, có bố mà như không…

Hắn chưa bao giờ đánh thị. Nhưng thị biết giá không phải trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này thì hắn dễ mà cho thị cái tát lắm. Thị chả sợ. Trong thị chỉ còn nỗi xót con, nỗi buồn tủi thôi. Bỗng thị cười chua chát. Người ta vẫn bảo thị tốt số lấy được anh chồng khỏe mạnh, tháo vát, tốt tính. Đời mà, trong héo ngoài tươi! Ai thấu cho thị những lúc mùa màng đồng áng lùi lũi một thân. Ai biết cho thị những khi con ốm đau, những lúc đêm đông trống trải… Và bao cái cơ sự buồn tủi, thiếu vắng… khi tiếng là có chồng ở bên đấy mà thị vẫn phải chịu đựng. Thị biết hắn là người yêu vợ thương con. Nhưng tại sao hắn cứ phải tự làm khổ mình. Không có hắn thì còn nhiều, rất nhiều đàn ông trong cái xã hơn vạn nhân khẩu này đảm đương. Hay thật là hắn đang nuôi tham vọng chính trị, mộng thành ông nọ bà kia? Thì đấy, có lần thị than vãn về hắn, ông chú họ bên nhà thị chả rỉ tai mà như mắng thị: "Cái chị này, chả nước non mẹ gì! Làm chính trị là phải "trường kì kháng chiến", nằm gai nếm mật mới mong có ngày… Dăm năm nữa cái chức trưởng công an xã, rồi phó chủ tịch, chủ tịch xã chả trong tay chồng chị thì còn ai… Lúc đấy mát là mát cái mặt chị chứ đứa nào! Rõ là đàn bà… đái không qua ngọn cỏ!". Không, chồng thị thế nào thị biết. Hắn không phải là người tham quyền tham chức mà cái nghiệp nó chọn hắn rồi. Ai đời, từ ngày mới lấy nhau còn chưa ra làm cái chân công an viên quèn, cứ nhà ai có tiếng ho là hắn lao đi. Con người ta hư đốn, nghiện cờ bạc lấy của nhà đem đi, hắn đến khuyên không được thì dọa. Thấy thằng câu trộm chó trong làng, hắn hô thanh niên ra đuổi. Vợ chồng hàng xóm cãi nhau hắn sang can. Đến việc mấy bà mất trộm gà hắn cũng đến hỏi… Thế là người ta cử, người ta bầu. Hắn chối đây đẩy nhưng người ta cứ ấn vào tay hắn cái chức ấy, rồi lại ngọt nhạt: "Ai cũng chối thì lấy ai ra mà làm. Thôi, cũng là vì làng vì nước. Gái có công chồng chẳng phụ. Mùa màng cô chú neo người quá thì chúng tôi sẽ cho người đến giúp…". Là người ta cứ nói thế cho được việc người ta lúc ấy thôi, chứ chiêm mùa mấy năm rồi thấy bóng ma nào hay chỉ mình thị còm cõi, hắn thì đi tối ngày. Ấy thế mà cái "vụ" hắn lên làm công an xã lại rộ lên tin đồn hắn bán bò chạy việc. Có kẻ còn cạnh khóe thị từ ngày lên "phu nhân" công an xã thì kiêu, gặp người làng người xã mặt cứ lành lạnh. Khốn nạn! Nào thị sung sướng gì với cái "chức" của chồng. Thị lành lạnh, thị buồn là vì vợ chồng đang quấn quýát như hình với bóng thì nay chồng đi suốt, thị lại đau dạ dày kinh niên. Một con bạn cũ còn hỏi toạc thị: "Tao hỏi thật, chồng mày lên xã hết mấy "vé"? Thị cười, cười ngặt nghẽo, cười đắng đót cho cái sự tréo ngoe ở đời.

Chồng thị ra làm "quan" xã được mấy tháng thì dự án xây dựng các nhà máy cũng ùn ùn kéo về quê thị. Người làng, xã phiêu dạt tứ phương nghe tin hò nhau băm bổ về quê. Rồi nhốn nháo nói cười hỉ hả đền bù, tru tréo chửi rủa chia chác. Con đường cao tốc hoàn thành và khu công nghiệp mọc lên thì làng thị, xã thị cũng dần lên "đời" thành phố. Người ta đua nhau bán đất xây nhà, mua xe, chạy việc… Thanh niên trong xóm thị nối đuôi nhau chạy vào những cái hộp bê tông nhốt người nhốt máy. Suốt từ chiều đến tận đêm khuya, khắp làng nổi sóng nhạc sàn, nhạc rốc. Đêm, mỗi lần có việc đi đâu thị lại gặp vài đôi tóc xanh đầu đỏ dìu nhau lơi lả, mấy bóng người ngáp dài, dật dờ, nguệch ngoạc. Đến dòng sông xanh mát chảy qua làng, nơi thị tắm táp suốt thời thiếu nữ cũng thành ra đen ngòm chết chóc. Người ta bảo nhau con nghiện, con cave, con ết… đã mò về hang cùng ngõ hẻm làng thị rồi. Mà những thứ ấy là tan nát cửa nhà, là trộm cướp, giết chóc… Công an xã rồi cứ vàng mắt, bạc mặt với chúng nó. Thị nào đã nhìn thấy những "con" ấy nó đầu cua tai nheo ra sao, nhưng cứ nghĩ chồng thị phải đương đầu với chúng là thị mơ hồ một nỗi kinh hãi. Rồi nỗi kinh hãi ấy không còn là mơ hồ nữa khi làng thị như sôi cả lên vì mấy vụ động trời. Thằng Tâu, con lão Mão xóm Đông nghiện hút chích về xin tiền bố không cho, quẳng bố xuống giếng, làm lão Mão chấn thương sọ não, may có người cứu kịp. Tay Bản xóm Đoài, ăn phải bùa bả của mấy con cave, cãi nhau với vợ, cho thuốc chuột vào bát canh của vợ. Vợ chết, tay Bản tù chung thân. Lão Khuâng, hơn bảy mươi tuổi bị công an huyện "tóm sống" cùng ả cave đáng tuổi cháu trong tình trạng không mảnh vải ở quán cà phê Xuân Tình của mụ Mộng Dung đầu xã. Vợ chồng, cha con từ mặt nhau. Lão Khuâng chán đời uống rượu, hát ông ổng suốt ngày đêm: "Tình yêu đến anh không mong đợi gì, tình yêu đi anh không hề hối tiếc"…

Từ ngày làng thị ra nửa nạc nửa mỡ phố - quê thì những đám "buôn dưa lê" cũng hơi bị nhiều. Lúc lầm rầm to nhỏ, lúc chỉ trỏ gần xa, lúc chì chiết, tru tréo, khi lại cười nói râm ran như họp chợ. Chuyện gầm giường xó bếp, trong nhà ngoài ngõ, đầu đường cuối bến… chẳng thiếu chuyện gì. Thị biết điều ong tiếng ve về chồng thị cũng từ những đám ấy mà ra. Miệng lưỡi thế gian sao mà điêu ngoa độc địa. Người ta rì rầm hắn rất hay tọt vào mấy quán cà phê đèn mờ vào thời điểm "nhạy cảm", khi trở ra thì bã bượi như gà trọi rời xới. Người ta đồn dăm bữa nửa tháng chồng thị lại đánh một "quả" vớ bẫm, nhà thị tuềnh toàng nheo nhóc chỉ là cái vẻ bề ngoài, của chìm của nổi không biết thế nào. Thế nên mới có chuyện bà cô họ nhà thị đến vay vàng lo việc cho con. Bà cô nằn nì dai như đỉa. Thị nhăn nhó nhưng vẫn ngọt nhạt:

- Cô ơi, cô nhìn nhà cháu thế này thì lấy đâu ra tiền. Mẹ con cháu nay ốm mai đau, chả làm được gì, nhà cháu lương ba cọc ba đồng…

- Gớm! Chị cứ nói, giờ các "quan" ai sống bằng lương…

- Ấy chết, cô còn nghĩ thế thì người ngoài… Mà quan với tước gì nhà cháu. Thật là chúng cháu có… thì không tiếc cô.

Co kéo, nài nỉ mãi không được, mặt bà cô sưng lên, dằn dỗi:

- Nhà người ta bây giờ… nó khác, chứ đâu có như xưa. Con già này đúng là không có mắt! Thôi… tôi chẳng dám phiền!

Bà cô vùng vằng về rồi, thị ức muốn khóc mà không sao khóc được. Lương tháng hắn hơn triệu chỉ đủ xăng xe, điện thoại, tháng nào dư được hộp sữa cho con Chiêm, thằng Vụ. Thi thoảng hội nghị này nọ hắn rước về những cái bằng, giấy khen to uỵch, có khi vài tờ lịch, bộ ấm chén… Toàn những thứ chẳng ăn được, không làm cho nồi cơm nhà thị đầy lên, càng không làm mẹ con thị hết khổ. Thị ứa nước mắt khi nghĩ đến chồng con lũ bạn. Đứa có chồng xuất khẩu lao động nhà ba bốn lầu. Đứa vợ chồng làm trang trại tiền gửi mấy ngân hàng. Còn chồng thị thì mang về cho thị những lời thị phi, làm căn bệnh viêm dạ dày mãn tính thêm hành hạ thị, người thị càng ngày càng như xác ve.

Lại có buổi tối hai vợ chồng chở nhau đi đám cưới, qua mấy quán cà phê đèn mờ thì mụ đàn bà nào đó ngân lên cái giọng chua loét, nghe như cải lương mà lại ra chèo:

Trời ơơ ơ ơ…ơi…

Quan đi tuần thú trong vùng

Đâu có hàng lạ… thời lùng vào… xơi…

I ì i… í ì i....

Hắn hộc lên tức giận làm cái xe cà tàng chồm lên mấy hòn gạch vỡ, hai vợ chồng suýt ngã. Hắn bảo mấy cái "động" này bị công an xã, huyện quét mấy lần rồi, có "động" sập, có "động" như động hồ ly biến hóa khôn lường, chưa tóm được quả tang nên chưa làm gì được chúng. Thi thoảng mấy mụ nạ dòng vẫn trêu tức anh em công an viên như thế. Thị luôn tin chồng nhưng nghe những lời ấy, cùng những xì xào của đám "buôn dưa lê", thị chợt nhớ nhiều đêm hắn đi tuần về, thị véo chân phát tín hiệu, hắn lại làu bàu kêu mệt hoặc lăn ra ngáy ò o. Hay là… Nỗi nghi ngờ từ lúc nào chui vào tim óc thị làm thị thêm lo sợ.

Nhiều đêm, nằm úp mặt, hà hít bộ ngực căng vồng, nhơm nhớp, nồng nồng mồ hôi của hắn mà thị vẫn run. Có đêm thị tỉ tê:

- Cái xã này bây giờ nó đảo lộn, nhiễu nhương, nghiện ngập, giết chóc người như ngóe. Hay là bố nó…

- …

- Nhà mình có mấy sào ruộng dồn điền, sau đợt dự án có khi vay ít vốn làm trang trại. Tôi tính hay là bố nó xin nghỉ…

- Cái gì?

- Thì… nghỉ việc xã… về vợ chồng làm trang trại.

- Điên à! - Hắn bỗng nổi sung - Đang lúc hỗn độn, nhấp nhóa sáng tối thế này lại xin nghỉ, người ta lại không ỉa cho vào mặt. Rồi người ta chửi là thằng hèn, thấy một tí khó khăn thì sun vòi vào… Còn dám vác mặt đi đâu.

Thị nấc lên:

- Nhưng tôi sợ, ngộ nhỡ bố nó làm sao… Mẹ con tôi… Hức…hức…

Và rồi nỗi sợ trong thị dần trở thành sự thật, mỗi lúc thêm đau đớn, kinh hoàng. Bắt đầu là ao cá sắp đến ngày thu hoạch chỉ sau một đêm nổi trắng vì chai thuốc sâu, năm sau thì con Vàng bị cắt đứt cổ. Và đêm hai ba tháng Chạp vừa rồi, trong lúc cùng đồng đội đi tuần, chồng thị đã bị toán "ăn sương" cho một mũi dao thật ngọt khi rượt đuổi chúng...

*

Vẫn mưa.

Đêm, khi chồng đã chìm sâu vào giấc ngủ, thị còn thức chong chong. Nhìn đôi mắt khép chặt, gương mặt cương nghị, vầng trán thanh cao của chồng, thị nghĩ lung lắm. Tình thực, từ trước tới giờ, trong sâu thẳm lòng thị, thị buồn cho nỗi khổ, nỗi cô đơn của mình thì ít mà lo sợ những hiểm nguy, những cạm bẫy, vấp ngã có thể đến với chồng thì nhiều. Mỗi lúc nhìn chồng, hay khi đêm về nằm áp má lên ngực chồng, thị biết chồng thị là người chính trực, nhân hậu, thủy chung, niềm tin yêu không hề hao vơi trong thị. Có khi thị nghe được những lời khen về chồng thị hay lúc thị được ai đó nói lời cảm ơn vì việc làm của chồng thị thì thị cũng lấy làm vui, tự hào lắm. Người ta bảo không có những người như hắn thì nhiều nhà trong làng thị, xã thị sẽ không còn cái bát mẻ mà ăn với bọn nghiện ngập chích hút. Và thị cũng biết nếu không có những người như hắn thì ai sẽ đứng ra bảo vệ những người yếu đuối, đáng thương? Bỗng đâu bí mật thời con gái lại trở về nhắc thị.

Chiều ấy, thị đi chợ huyện về thì đã nhá nhém tối… Đến quãng đê vắng, bất ngờ mấy bóng đen trong rặng tre vọt ra. Đứa giằng xe, đứa lôi thị xuống. Tưởng cướp, thị gào lên kêu cứu. Một bàn tay hộ pháp chộp ngoéo miệng thị, thị không thể kêu lên được. Quân khốn nạn! Chúng kéo thị xuống dệ đê. Và thị biết… chúng không cướp của. Thôi, thế là hết. Thị nấc lên tuyệt vọng… Khi mấy thằng mất dạy dứt tung chiếc cúc áo cuối cùng của thị thì một bóng người lao tới. Đấm. Đá. Chiếc côn nhị khúc xé gió vun vút... Thị tối tăm mặt mũi vì sợ hãi. Mấy thằng mất dạy ôm đầu, ôm ngực chạy, la oai oái. Ánh trăng đầu tháng đã lên cho thị nhận ra ân nhân. Là chú Chiến, phó công an xã, người mà thị đã nghe rất nhiều chiến công lẫy lừng trong đấu tranh chống trộm cướp. Chú Chiến đưa thị về tận nhà. Thị cứ lo sợ rằng rồi chuyện sẽ lộ ra, thị lại phải đối mặt với những thị phi. Nhưng không, thị đi qua thời thiếu nữ không điều tiếng. Thị biết ân nhân là người độ lượng, sâu sắc. Chú Chiến lên phó chủ tịch xã, đã nghỉ hưu lâu. Mỗi lần, ký ức về buổi chiều kinh hãi ấy bất chợt hiện về, lòng thị lại dâng lên nỗi xúc động và sự biết ơn.

Vậy mà lúc này, sao thị lại trách hờn, ngăn cản chồng thị làm những việc như chú Chiến đã làm cho thị? Sao chỉ vì những phút cô đơn, mệt mỏi mà thị lại trút cả hờn giận lên chồng? Sao thị không san sẻ những vất vả, hiểm nguy, day dứt để chồng thị được nhẹ lòng? Dưới bóng đèn ngủ, thị thấy gương mặt hắn khắc khổ, mấy sợi tóc bạc ánh lên lấp lánh. Xót xa, ân hận làm thị không kìm được tiếng khóc.

Sợ chồng tỉnh giấc, thị vội chạy ra hành lang...

Đăng bởi:chuotnhat84.xtgem.com

Quay lại trang trước
Thống kê truy cập

online tren wap
Hôm nay:1
Tổng số:111
Copyright(c) Huỳnh Lâm

Email: lamhien863@gmail.com

Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng