Người tình maTrời mưa mỗi lúc một lớn hơn, nên dù có muốn đi cũng không làm sao đi được, Phước đành phải kêu thêm ly cà phê đen uống và chờ. Có ba bốn người nữa cũng đồng cảnh ngộ như Phước, nên anh yên tâm ngồi đó mà không lo lắm khi đồng hồ tay cứ nhích dần về con số bốn. Ở vùng quê này khoảng bốn giờ thì coi như trời tối, nhất là những buổi chiều mưa như thế này. Một người ngồi gần đó chép miệng: - Trời này không biết lão già Hai đủ sức chèo qua sông không nữa? Chị chủ quán Chín Thật đưa tay chỉ lên trời vừa nói: - Chỉ có trời sập thì ông ấy mới không qua sông thôi! Ông già này là con trời sai xuống trần gian để trả nợ cho mọi người đó! Trong lúc chờ mưa tạnh thì đề tài về ông lái đò lại được mọi người quan tâm. Một người khác lên tiếng: - Ông già cũng lạ, cực khổ chèo chống, vậy mà đưa khách qua sông không hề đòi hỏi thù lao, ai muốn cho cũng được, ai quên thì không nhắc! Trên đời này quả không có người thứ hai như ổng! Chị Thật bật cười: - Bởi vậy tôi mới nói ông ấy là con trời sai xuống. Chỉ có người thiên đình thì mới tốt bụng như vậy thôi! Người thứ ba nói: - Nghe nói ông ấy không có gia đình, vợ con nên làm nhiều cũng không biết cất tiền ở đâu! Lúc này Phước mới tò mò: - Vậy nhà cửa ông ấy ở đâu, cũng phải ăn để sống? Bà chủ quán nhìn Phước, đoán anh là người ở xa tới nên nói: - Cậu không biết thôi, ông ấy mà nhà cửa gì. Làm cũng ghe, ăn cũng ghe, mà ngủ cũng ghe! Đúng hơn là chiếc xuồng đó, chính là nhà của ông ta! Một người khác thắc mắc: - Dù là một mình, nhưng chiếc đò nhỏ xíu đó thì tối làm sao ông ấy ngủ cho được? - Vậy mà cũng xong. Đã năm bảy năm nay rồi chứ ít gì! Chín Thật rành chuyện ông ta nhất, nên nói tiếp: - Thật ra khi tôi về đây dựng cái quán này thì nghe nói trước đó ông ấy cũng có nhà, ở trên bờ đàng hoàng. Nghe đâu chỉ từ khi đứa con gái ông ấy chết thì ông ấy mới ra nông nổi này! Phước càng tò mò hơn: - Sao con gái ông ấy chết? Chị chủ quán lắc đầu: - Tôi cũng không rõ lắm. Chỉ nghe nói ông ấy chỉ có mỗi đứa con đó, cha con sống với nhau từ nhỏ, bà vợ nghe nói đã chết từ lúc con bé vừa lọt lòng. Ở đây cũng chẳng ai biết mặt con gái ông ta. - Tội nghiệp, một kiếp người. Câu kết luận của Phước khiến mấy người kia đưa mắt nhìn anh cảm thông. Rồi họ nhìn đồng hồ tay và nhìn trời, rồi hai trong số ba người khách cuối cùng đó đứng dậy nói: - Chắc chờ không được rồi. Ông con trời chắc bữa nay cũng chịu thua cơn sụt sùi của thiên đình rồi. Hai người họ đội mưa đi trở lên đường làng, có lẽ đón xe ngựa để trở về chợ. Mà họ làm vậy cũng đúng, ở bến đò ngang này quá năm giờ chiều thì sẽ không còn xe ngựa để đi, mà mong gì còn đò… Phước thì khác, do anh ở xa tới, đi tìm nhà quen ở bên kia sông, nên bằng mọi giá cũng phải chờ đò. Anh quay sang người khách duy nhất còn lại và hỏi: - Vậy chú cũng chờ chứ? Vị khách lớn tuổi gượng cười đáp: - Cũng muốn chờ, nhưng điệu này chắc là đò không qua rồi, mà tôi không biết lội, mưa gió lớn này chắc khi có đò tôi cũng không dám qua. Có lẽ uống hết ly nước rồi tôi ghé qua nhà người quen gần đây nghỉ tạm, sáng mai đi sớm. 4 giờ rưỡi… Rồi 5 giờ. Tuy trời mưa có bớt phần nào nhưng bóng con đò vẫn bặt tăm. Nhìn xuống mặt sông chỉ thấy trắng xóa một màu mưa giông. Vị khách già kia hớp nhanh ngụm nước trà rồi đứng lên: - Thôi, tôi đi trước đây! Ông bước nhanh trong mưa. Khi ấy chỉ còn lại Phước là người duy nhất trong quán. Có lẽ để anh yên tâm, chị chủ quán vội lên tiếng: - Cậu có thể ngồi đợi tới bao giờ cũng được, khi nào muốn đi thì đi, tối tôi ở lại đây, cũng mở cửa bán lai rai cho ai cần uống nước thì uống. Mà cậu ở đâu tới, qua bên kia sông kiếm nhà ai? Phước thấy chị ta vui vẻ nên cũng bắt chuyện: - Tôi từ Sài Gòn về. Tôi chưa tới vùng này bao giờ, mò đường đi do được một người chỉ cho. Bên kia sông có phải là xã Vĩnh Trạch không chị? - Đúng rồi, bên này là Vĩnh Lương, còn bên kia là Vĩnh Trạch, lươn và trạch cùng họ với nhau mà! Phước cười: - “Lương” này có chữ G ở sau, không có nghĩa là “lươn” như con “lươn”. Chắc là không phải cùng họ. Chị chủ quán cười ngất: - Dân quê tụi tôi dốt nát đâu còn phân biệt chữ nghĩa như cậu, nên “lươn” hay “lương” gì đó đọc lên nghe cũng vậy! Cậu biết con “cá trạch” hay con “trạch”? Phước lắc đầu: - Dạ chỉ nghe nói chứ chưa biết. Chị chủ quán lại cười to hơn: - Vậy là tôi dốt phân nửa cậu dốt phân nửa! Tôi dốt chữ còn cậu dốt hình dạng con trạch. Mà nè, cậu kiếm nhà ai ở bên đó? - Dạ, ông Sáu Thành, trước làm thầy thông phán ở tỉnh, lâu nay về xã này, mà không biết nhà cửa ở đâu? Chín Thật cau mày suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu: - Tôi cũng biết bên đó khá nhiều, mà đâu có nghe ai nhắc tới ông Sáu Thành làm thầy thông phán? - Hy vọng là hỏi dò chắc cũng có người biết. - Nhưng trời tối thế này, nếu có qua được bên đó chắc gì cậu tìm được nhà ngay. Chi bằng trở về chợ ngủ qua đêm đi sáng mai đi sớm? Phước lưỡng lự: - Tôi cũng nghĩ như chị, nhưng ngặt vì ngày mai tôi phải trở về Sài Gòn gấp, nên không thể nán lại. Chờ thêm hơn mười lăm phút nữa, Phước chán nản trả tiền nước rồi đứng dậy ra về. Anh dự tính ra quốc lộ đón xe đêm trở về Sài Gòn ngay chứ không ở nhà trọ. Và như vậy là bao nhiêu kế hoạch của anh đã phá sản. Nhưng vừa bước đi mấy bước Phước đã nghe chị chủ quán kêu to: - Đò qua kìa cậu ơi! Nhìn ra sông thấy con đò đang từ từ cập bến, Phước mừng xiết kể, anh buột miệng: - Đúng là trời còn thương! Chị chủ quán còn dặn với theo khi Phước chạy nhanh xuống đò: - Cậu muốn biết người bên Vĩnh Trạch thì hỏi ông Hai lái đò, ông ấy là người sống bên đó! - Cám ơn chị! Phước là khách duy nhất còn lại, nên khi anh vừa bước xuống thì ông già Hai đã cho ghe lui ra ngay. Ông không nói lời nào cho đến khi đò ra tới giữa dòng, ông mới quay lại hỏi: - Cậu về xóm trên hay xóm dưới? Phước ngơ ngác: - Xóm trên là ở đâu, còn xóm dưới là ở đâu? Nhìn khách một lượt, ông già hỏi lại: - Cậu ở xa tới? - Dạ, cháu ở Sài Gòn. - Cậu quen ai ở bên đó? - Ông Sáu Thành, trước làm thông phán ở tỉnh… Câu nói của Phước vừa tới đó đã bị ông già cắt ngang: - Cậu quen ông ta ra sao? Cậu là… Nhìn vẻ kích động của ông, Phước hơi ngạc nhiên: - Bác biết ông ấy? Có đúng ông Sáu ở làng Vĩnh Trạch không bác? Ông vẫn còn sống với cô con gái… cô Hạnh. Tuyết Hạnh! Ông già lặng yên, mắt hướng nhìn ra dòng sông đang mờ đi bởi mưa giăng. Lát sau ông nói mà không nhìn Phước: - Cậu kiếm sao được những người đó! Phước ngạc nhiên: - Ủa, sao vậy bác? Ông ấy không còn ở xứ này nữa sao? Định nói gì đó, nhưng kịp dừng lại, ông già đẩy mạnh tay chèo mà không thêm lời nào. Phước phải hỏi lại: - Bên kia có nơi nào ngủ trọ được không bác? Ông già nhìn Phước lắc đầu: - Làng quê chứ đâu phải phố chợ mà nhà trọ cậu! Phước đăm chiêu: - Lỡ không tìm được nhà thì biết ngủ đâu? Có đình chùa gì gần đây không bác? Ông già thoáng một chút suy nghĩ, rồi bảo: - Về nhà tôi ngủ. Đã nghe chị chủ quán nói ông già không có nhà, anh hỏi lại: - Bác sống trên ghe này một mình, làm sao chiếc ghe chứa được hai người bác? Ông già cười nhân hậu: - Vậy ra cậu đã nghe người ta nói về tôi rồi phải không? Tuy ghe này không đủ chỗ cho hai người ngủ, nhưng nhà thì dư để cậu ở đêm nay! Phước giật mình: - Bác Hai có nhà riêng, sao người ta nói bác chỉ sống dưới ghe? Ông không đáp đúng câu hỏi mà lại chỉ tay về phía trước và nói: - Nhà ở chỗ đó. Ông hướng mũi ghe về phía vừa chỉ, lát sau đã thấy một bến sông cây cối um tùm. Bấy giờ ông mới cột ghe lại ở gốc một cây bần, rồi bảo: - Cậu theo tôi lên đây. Tuy không tiện nghi lắm, nhưng cũng đủ cho cậu yên giấc tối nay. Chỉ có điều đứa cháu tôi là chủ căn nhà lá này có thể tối nay nó không về, vậy cậu có dám ngủ một mình không? Phước đáp thật lòng: - Dạ, cháu bác Hai ở được thì cháu ở được thôi. Nhưng lỡ nửa đêm người đó về gặp cháu thì sao? - Không sao cả. Ở chốn quê này, được đón khách thành phố tới ngủ lại là vui rồi, ai thắc mắc làm chi. Thôi được rồi, tôi sẽ ngồi lại nói chuyện với cậu cho vui, khi nào cậu buồn ngủ thì tôi về cũng được. Tôi cũng neo ghe gần đây… Chợt nhớ ông nói: - Chắc là cậu chưa ăn cơm chiều. Vậy để tôi xuống ghe lấy lên ít đồ ăn, mình cùng ăn cho vui. Cậu không chê đồ ăn đạm bạc chứ? Phước thấy ông thật thà, lại nhiệt tình, nên đáp hay: - Dạ, có thức ăn đã là quý rồi, mà cháu thì dễ ăn lắm, gì cũng nuốt trôi cả! Chừng nửa phút sau ông già Hai mang lên một con cá nướng và nửa nồi cơm nguội, ông bảo: - Cơm thì nguội, nhưng được cái là còn nóng, nên ăn chắc cũng không đến nỗi nào! Rất tự nhiên, ông già dọn ngay thức ăn lên bộ giường tre rồi giục Phước: - Ăn ngay đi cậu, để lát nữa cá nguội thì tanh. Ông ra ngoài hái vào một mớ đọt non và giải thích: - Cá nướng mà ăn không kèm rau thì không ra gì cả. Đây là đọt cóc non, cậu ăn thử coi có ngon hơn rau thị thành không? Không ngờ được ăn bữa ăn quá lạ miệng, nên Phước tự nhiên ăn hơn phân nửa xuất ăn, vừa ăn anh vừa nghe ông già hỏi: - Cậu nói thật cho tôi nghe, cậu tìm ông thông phán gì đó ở xứ này? Sao cậu biết ông ta về đây? Phước không còn dè dặt như ban đầu nữa, anh nói: - Dạ chẳng giấu gì bác Hai, cháu đi tìm ông chỉ bởi giữa cha mẹ cháu và bác ấy có liên quan đến một lời hứa… Ông già rất chăm chú lắng nghe, có vẻ sốt ruột: - Lời hứa thế nào cậu? - Dạ, hứa về một cuộc hôn nhân! Phước đặt miếng thịt cá nướng trở lại tàu lá chuối, giọng hơi chùng xuống: - Mà cũng tại ba má cháu, phải chi lúc cháu đủ tuổi lập gia đình, ông bà cháu đi tìm ông thông phán Thành thì chắc không mất công như bây giờ! Ông già hỏi tới: - Vậy sao họ không cho cậu đi tìm? - Chỉ vì mẹ cháu muốn cháu lấy vợ giàu, con ông Phủ đầy quyền thế, để khi cháu ra trường sẽ dễ bề tiến thân, hơn là cưới một cô gái con ông phán về hưu. Thêm nữa… Phước ngập ngừng, không muốn nói ra điều riêng tư… Nhưng thấy ông già có vẻ lắng nghe, vả lại anh nghĩ, có cho ông ấy biết cũng không có gì phải ngại, bởi ông ta là người dưng, nghe rồi bỏ mà… Do vậy sau vài giây ngần ngừ, Phước tiếp: - Thêm vào đó, chẳng biết căn cứ vào đâu mà má cháu nói là cô gái con ông thông phán đó bị bệnh kín gì đó, mà là bệnh nan y nữa, do vậy không muốn cho cháu cưới cô ta! Ông già có vẻ kích động: - Mà cậu cũng sợ lây bệnh của cô ấy sao? Cậu nghe lời bà già? Phước lắc đầu, giọng anh bùi ngùi: - Cháu hoàn toàn không đồng ý với ý của má cháu. Cháu muốn đi tìm cho bằng được cô gái. Bởi cháu nghĩ, hôn nhân là lương duyên trời định mà, dẫu mới chỉ là lời hứa giữa hai bên cha mẹ lúc tụi cháu còn nhỏ, nhưng vẫn là lời hứa nhân duyên. Nếu hai đứa tụi cháu mà có duyên thì dẫu cô ấy ra sao thì cháu vẫn cưới! - Cậu nói thật? Phước đưa miếng cá nướng kèm đọt cóc nhai một miếng lớn, tỏ thái độ dứt khoát: - Điều đó là chắc chắn! Ông già gục gật đầu: - Xứng đáng là tư cách một con người! Tiếc cho cô gái ấy… Phước ngạc nhiên: - Ủa, bác biết về cô gái hứa hôn với cháu sao? Bác biết ông Phán Thành? Ông già vội lắc đầu: - Không… tôi chỉ cam cảnh thôi. Người có lòng dạ như cậu thật đáng quý. Phước được dịp trút tâm sự: - Từ sau vụ ấy cháu bỏ nhà đi. Cháu đi để tránh không cưới vợ theo ý ba má cháu. Nhưng cháu cũng không làm sao biết được nơi đâu để tìm gia đình ông thông phán. Cháu vẫn muốn tự thân mình thực hiện lời hứa năm xưa! - Cậu nói thật? Trời ơi, quả là người có tấm lòng bồ tát! Nhưng… nếu không tìm được người ta thì cậu làm sao? Phước cười gượng: - Cháu đã thề với lòng mình, nếu cháu không kết nhân duyên được với người ấy, hay ít ra không gặp được cô ấy một lần để ngỏ lời chính thức thì cháu chưa thể tính tới hôn nhân với ai khác! Cháu tự coi như mình là người đã có vợ rồi! Bởi vậy lần này cháu mới lặn lội về đây, cháu quyết bằng mọi giá phải tìm cho ra cô ấy. Ông già chép miệng: - Sợ e là khó. Năm bảy năm rồi, vật đã đổi sao đã dời… Mà đời người thì ngắn ngủi vô cùng… Ông nói xong vội đứng lên, bước nhanh ra ngoài, sau khi dặn lại: - Tôi đi đây, có gì sáng mai tôi sẽ trở lại sớm. Tôi hứa sẽ giúp cậu tìm cho được người mà cậu cần tìm! Phước muốn hỏi thêm, nhưng không còn kịp nữa, bóng ông già chèo đò đã khuất sau lùm cây. Thấy muỗi vo ve chung quanh, Phước lo đêm nay mà ngủ trần thì có nước làm mồi nuôi lũ chúng! Tuy nhiên khi nhìn kỹ chiếc giường còn lại bên trong, Phước thấy một chiếc mùng đã giăng sẵn? Anh thích thú: - Đúng là trời còn thương! Tuy bữa ăn đơn sơ, nhưng do đói và lạ miệng nên Phước ăn đến no nê và còn thèm. Anh thầm cám ơn ông già chèo đò, hứa với lòng là nay mai thế nào cũng tìm cách mời lại ông một bữa! Phước đứng lên vươn vai, vừa định bước ra ngoài chốt cửa lại, thì… anh hoa mắt, lảo đảo như vừa uống rượu… và chỉ trong phút chốc thì không còn biết gì nữa… Phước tròn mắt nhìn vào người đang đứng trước mặt mình, lặp lại câu hỏi lần thứ hai: - Cô là… ai? Có lẽ chờ cho Phước bình tĩnh hơn, người kia mới nhẹ nhàng đáp: - Người hỏi phải là tôi, chứ sao lại là anh. Vậy tại sao anh vào nhà tôi, anh chưa trả lời? Bây giờ Phước mới tỉnh táo hoàn toàn, anh bật ngay dậy, vừa ngơ ngác nhìn quanh và nhận ra mình đang nằm trong ngôi nhà lá mà đêm qua đã được ông già chèo đò đưa tới. - Tôi… tôi… Bấy giờ Phước mới nhìn rõ, người đứng trước mặt mình là một cô gái khá đẹp, tuy ăn mặc đơn sơ nhưng toát lên nét kiều diễm và có chút gì đó là của thành thị, chứ không thuần túy thôn nữ như cách ăn mặc. - Cô là…? Cô gái giờ mới nhếch môi cười: - Anh lại hỏi nữa rồi? Vẫn chưa trả lời tôi mà. Anh là ai mà vào nhà tôi nằm ngủ tự nhiên như nhà mình vậy? Lúc này Phước mới nhận ra vì thế của mình, anh bẽn lẽn nói: - Tôi… tôi được bác Hai chèo đò bảo… cứ tự nhiên ngủ ở đây. Mà sao cô vào được khi tôi đã chốt hết cửa lại rồi? - Chốt cửa trước, lại để thả cửa sau, giữ nhà kiểu như anh thì ăn trộm vào khiêng đi lúc nào cũng không hay! Mà anh nói do bác tôi dẫn tới, vậy bác tôi đâu? Phước đỡ quê: - Cô hiểu cho rồi đó. Bác Hai đi xuống đò, nói sẽ trở lại vào sáng mai. Bây giờ là giờ nào rồi cô? - Mười giờ sáng! Phước hốt hoảng: - Không xong rồi, tôi phải về Sài Gòn liền bây giờ! Trời ơi, sao tôi lại ngủ dữ vậy không biết! Thấy anh quýnh lên, cô gái cũng bắt cười: - Anh biết ở đây là đâu không mà giờ này đòi về Sài Gòn liền? - Thì đây là… là làng Vĩnh Trạch. - Ờ, làng này ở bên này sông, muốn đi về Sài Gòn phải qua đò, đi ra chợ, rồi lên thị xã, từ thị xã mới có xe đi Sài Gòn. Mà xe thì chỉ chạy một chuyến vào sáng sớm. Hay anh muốn đi bộ về trên đó? - Vậy ông già Hai? - Bác hai tôi bữa nay bệnh rồi, không đưa đò được. Cô nói xong quay bước ra ngoài, trước khi ra khỏi cửa còn nói với lại: - Bác có gửi cho anh cái này, nhưng dặn là chỉ đến mười hai giờ trưa nay mới được mở ra xem. - Cái gì vậy? - Cái gói để trên bàn thờ đó. - Bàn thờ nào? - Thì trong nhà chỉ có một bàn thờ thôi, còn hỏi là bàn thờ nào nữa? Lúc tối có lẽ do không đủ ánh sáng nên Phước không kịp quan sát, bây giờ nghe cô gái nói vậy anh mới bước ra nhà ngoài nhìn thì quả thấy có một bàn thờ cũ. Nhưng… Vừa dán mắt vào nhìn thì Phước đã kinh hãi kêu lên: - Sao lại thế này? Trên tủ thờ có ảnh chân dung một cô gái mà chỉ cần nhìn qua cũng đủ thấy nó giống với cô gái vừa rồi như khuôn đúc. - Cô gái này là… Phước ghé sát vào hơn, nhìn kỹ khung ảnh và một lần nữa anh thốt lên: - Không thể được. Anh thấy ngay dưới bức hình có dòng chữ viết rất nắn nót: “Mãi mãi nhớ con gái yêu Tuyết Hạnh của cha! Phán Thành!” - Cái gì? Phước đọc kỹ dòng chữ lần nữa rồi người anh run lên: - Tuyết Hạnh… trời ơi! Ngỡ rằng mình vẫn còn mơ ngủ, Phước đưa tay sờ thử vào khung ảnh và lạnh người khi nhận ra những gì đang trước mắt anh là sự thật. Phước thảng thốt: - Sao thế này hở trời! Suýt nữa anh đã té ngã vì người như mất hết sinh lực. Đầu óc choáng váng. Vừa mới tỉnh lại sau một giờ ngủ bất thường, giờ đây Phước lại đang chìm dần vào cơn mê mà trong lúc bàng hoàng anh còn kêu lên được hai tiếng: - Tuyết Hạnh! Ông già Hai từ dưới bến mới vừa bước lên. Nhìn thấy Phước như thế ông lặng người đi rồi nhẹ thở dài… - Cậu đã tỉnh lại lần nữa rồi và chắc chắn là không chết. Nãy giờ tôi ngồi đây mà cứ ngỡ là cậu sẽ đi theo người mà cậu đang tìm kiếm! Giờ thì ổn rồi. Người nói đó là ông già Hai chèo đò. Phước vừa nhìn thấy ông, anh đã kêu lên: - Bác Hai, sao lại thế này? Biết là Phước đang muốn hỏi gì, ông già vẫn điềm nhiên nói: - Ở đời mọi vật xoay tròn chung quanh nhau. Rồi đến một lúc nào đó điều tưởng như không bao giờ gặp, lại gặp nhau trong hoàn cảnh oái oăm như thế này! - Nhưng sao cô ấy lại là Tuyết Hạnh? Có phải bác biết rõ về Tuyết Hạnh và cha cô ấy, ông phán Thành? Ông già Hai thở dài lần nữa: - Phán Thành đã chết kể từ khi con gái ông ta qua đời. Mà cậu có biết vì sao con Tuyết Hạnh chết không? Không đợi Phước trả lời, ông già đã tiếp: - Một đứa con gái còn độ tuổi xuân thì, đang mơ đến ngày được thực hiện lời đính ước của đôi bên cha mẹ cho cuộc hôn nhân tuy không phải do mình chọn lựa, nhưng nó đặt kỳ vọng vào chàng trai mà cuộc đính ước đó mang lại. Rồi đùng một cái nó phát hiện mình bị mắc chứng bệnh nan y và còn bị bên đính ước kia hủy lời, trước mặt nữa! Hỏi làm sao nó sống nổi? - Không thể được! - Đúng là không thể được! Bởi con Tuyết Hạnh có bị bệnh gì đâu! Chẳng qua mẹ cậu con trai kia vì muốn hủy hôn nên đã tung tin ác, gán cho nó cái bệnh mà nó tưởng mình mắc thật! Và nó đã tự vận chết khi tuổi mới vừa trò mười tám! Người ta đã giết con Tuyết Hạnh như vậy đó! - Kìa bác! Bác nói Tuyết Hạnh chết do tự vận? Vậy còn người… mà cháu vừa gặp hồi đêm này là ai? Cô ấy… Ông già ngửa mặt lên cười mà như đang khóc. Giọng ông bi thảm vô cùng: - Con nhỏ tưởng chết đã yên thân, vậy mà trời còn chưa cho nó yên, ông trời ơi, ông ác lắm! Ông già Hai vụt đứng dậy và định bước ra ngoài như chạy trốn. Nhưng bỗng ông khựng lại và kêu lên: - Con! Sự xuất hiện đột ngột của cô gái khiến chẳng những ông già ngạc nhiên, mà Phước còn như chết đi sống lại, anh reo lên: - Cô! Cô là… - Đã biết rồi sao còn hỏi? Mà sao không quỳ xuống tạ tội với… nhạc gia đi! Phước còn đang ngơ ngác thì cô gái đã bước hẳn vào nhà. Cô đến gần bên bàn thờ, cầm bức ảnh thờ lên và hỏi Phước: - Anh thấy chúng tôi giống nhau không? Phước không còn dè dặt nữa, anh gọi thẳng tên: - Tuyết Hạnh! Anh định lao tới chụp lấy cô gái, nhưng đã bị ông già nhảy ra ngăn lại: - Nó khổ cho đến chết, hồn phách không siêu thoát được, tôi phải cho nó ở riêng ngôi nhà này để hy vọng được về nơi chín suối… vậy mà nay cậu còn quấy phá nữa hay sao! Ông giận dữ nên sức mạnh khiến Phước phải kiêng dè, anh lùi lại vừa hỏi: - Bác đây chính là… bác Sáu Thành? Bác phán… Ông già cười khẩy: - Còn Phán với Thông gì nữa! Tôi đã bỏ hết để về đây cùng con gái, chỉ mong được yên ổn những ngày cuối đời thôi, cậu đừng khuấy động nữa! - Bác Sáu! Con biết lỗi của gia đình mình, con muốn được xin lỗi và… Ông già lại cười nghe vô cùng thống thiết: - Xin lỗi để làm gì nữa khi con nhỏ chỉ còn lại ở bàn thờ kia, trời ơi! Bỗng nhiên cô gái lên tiếng: - Anh ấy nói đâu có gì sai ba. Hãy để anh ấy chứng tỏ lòng mình đi ba. Con bây giờ… Cô bước tới chỗ cha mình, đưa tay ra nắm như một người còn sống bình thường: - Con đây mà. Con là Tuyết Hạnh, con có thể… Chính ông già cũng kinh ngạc: - Lâu nay ba chỉ ghé lại đây để thắp nhang cho con và nghe con nói chuyện, chứ có bao giờ nhìn thấy được bóng con, cũng như được con… Tuyết Hạnh hướng sang Phước: - Chính sự chân thành của anh ấy đã khiến cho con hoàn hồn được ba à! Ít ra là trong ngôi nhà này, từ nay con có thể hiện nguyên kiếp người, để sống với người yêu mình! Và chỉ với điều kiện đó. Có nghĩa là, nếu anh Phước mà thương con, chịu chung sống với con như vợ chồng bình thường tại ngôi nhà này, thì con sẽ được như một người bình thường. Chỉ khi nào anh Phước phụ rẫy con, bỏ con thì lúc ấy con… sẽ trở lại là hồn ma và con có kết cuộc còn bi thảm hơn… Ông già lắc đầu than: - Lại khổ nữa rồi con ơi! Thà con cứ yên phận chết oan như thế còn hơn. Làm sao tin được lòng dạ con người. Nhất là cái giống nhà đó… Phước hốt hoảng: - Bác Sáu, xin bác tin con! Con đã nguyện rồi, nếu con không chung sống được với Tuyết Hạnh thì thà con chết theo em ấy còn hơn! Bác không tin thì con làm ngay đây cho bác coi! Phước định lao đầu vào cột nhà thì nhanh hơn anh, Tuyết Hạnh đã chặn ngang, kéo anh lại: - Chưa chi mà đã muốn bỏ người ta rồi! Được rồi, ba tôi không phải không tin anh, nhưng ông đã chứng kiến sự tráo trở lâu nay rồi, nên ông đâu dễ chấp nhận chỉ bằng mấy lời nói. Thời gian còn dài, nếu anh làm được thì ba tôi sẽ tin thôi. - Được! Anh sẽ chứng minh… Phước quỳ ngay xuống trước mặt ông già, im lặng chờ một cái gật đầu. Với anh, nếu chưa được thì sẽ quỳ đến khi nào toại nguyện mới thôi… - Được rồi. Nhưng sống ở lại đây là tự chuốc cực khổ vào thân. Sẽ lam lũ, lao động và nghèo khổ, liệu mấy bữa thì anh bỏ cho con gái tôi khổ đau thêm đây? Phước mừng quá, đứng vụt dậy và bất thần chụp lấy tay Tuyết Hạnh, reo lên: - Cám ơn ba, cám ơn em! Chính ông già cũng ngạc nhiên vì con gái mình để yên không phản ứng gì khi bị nắm tay, như vậy chứng tỏ lời cô nói lúc nãy là đúng! Ông mừng quá: - Hạnh, con đã… Tuyết Hạnh gật đầu: - Như con vừa nói, con bây giờ trở lại bình thường. Nhưng với điều kiện… Phước nói như một lời thề: - Anh xin hứa nếu anh làm không đúng lời thì… anh còn thê thảm hơn em nữa. Anh sẽ mãi mãi ở lại chốn này. Tuyết Hạnh nhìn sang cha nhẹ gật đầu, mỉm cười… Giữa chốn đời thường vừa có một chuyện lạ mà ngoài họ ra, mấy ai hiểu được. Như
Thống kê truy cập
Hôm nay:13 Tổng số:166987 Copyright(c) Huỳnh Lâm
Email: lamhien863@gmail.com Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng |