Quý ròm nện lọ mực xuống mặt bàn đánh chát một tiếng, dõng dạc hỏi: - Người quỳ dưới công đường kia là ai? Nhỏ Xuyến Chi lí nhí: - Bẩm Bao đại nhân, thảo dân là Trương thị, người huyện Hóc Môn ạ! Quý ròm trầm giọng: - Ngươi có oan ức gì? - Bẩm Bao đại nhân, người hàng xóm xấu bụng của tiểu nữ... Nhỏ Xuyến Chi mới nói nửa chừng, Quý ròm đã nghiêm mặt cắt ngang: - Người hàng xóm của ngươi xấu bụng hay tốt bụng, Bản phủ sẽ phán xét! Ở chốn công đường, ngươi không được tùy tiện nói xấu kẻ khác! Nhỏ Xuyến Chi cúi đầu: - Bẩm Bao đại nhân, tiểu nữ biết tội rồi ạ! Quý ròm hất đầu: - Ngươi nói tiếp đi! - Bẩm Bao đại nhân, người hàng xóm của tiểu nữ là Trần Bội Linh, thừa lúc tiểu nữ ngủ say đã lẻn vào nhà lấy trộm đồ đạc. Tiểu nữ choàng tỉnh, hô hoán và nắm được tay y thị, bị y thị xô ngã gây nên thương tích trầm trọng ạ! - Ngươi bị thương tích gì? - Dạ, bị trầy ngón tay út ạ! Quý ròm lại đập lọ mực xuống bàn: - Hoang đường! Trầy vi tróc vảy có chút xíu mà ngươi dám bảo là trầm trọng! Chẳng lẽ ngươi không coi vương pháp ra gì ư? Nhỏ Xuyến Chi liếm môi: - Dạ thưa, tại Bao đại nhân không biết đó thôi! Tuy trầy da có chút xíu nhưng nếu không khéo giữ gìn để vi trùng tê-ta-nốt ăn vô lục phủ ngũ tạng, chết như chơi đấy ạ! Thấy “Trương thị” giở y học thường thức, “Bao đại nhân” bối rối ngồi thừ ra một lúc rồi khẽ đưa mắt sang bên cạnh: - Công Tôn tiên sinh! Nhỏ Hạnh chúm chím: - Dạ, có học trò! - Ngươi có nghe nói đến loại vi trùng tê-ta-nốt này bao giờ chưa? - Dạ, có ạ! - Nhỏ Hạnh lễ phép cúi đầu - Học trò nghe đồn trong giang hồ có một loại vi trùng như thế! Nó còn độc hại hơn cả “mật Khổng Tước” hay “Thất đoạn tiêu hồn tán” nữa đấy ạ! Quý ròm lo lắng hạ giọng: - Lần sau nhớ lưu tâm đến loại vi trùng này đấy nhé! E rằng bọn hắc đạo sẽ dùng nó gây hại cho bá tánh đó! - Dạ, học trò nhớ rồi ạ! - Nhỏ Hạnh ngoan ngoãn đáp, phải cố lắm nó mới khỏi phì cười. Quý ròm quay về phía “người kêu oan”: - Trương thị! - Có thảo dân! - Ngươi bảo Trần Bội Linh lẻn vào nhà ngươi lấy trộm đồ, thế y thị đã lấy đi những gì vậy? Nhỏ Xuyến Chi chớp mắt: - Bẩm Bao đại nhân, Trần Bội Linh đã lấy trộm của tiểu nữ một... chùm dây thun ạ! - To gan! - Quý ròm trừng mắt, lần thứ ba nó đập đánh chát lọ mực xuống mặt bàn - Ngươi dám đùa với bản phủ hả? Cái chùm dây thun giẻ rách kia... Quý ròm chưa nói xong, nhỏ Xuyến Chi đã chồm dậy cuống quít ngắt lời: - Bẩm Bao đại nhân... bẩm Bao đại nhân... - Quỳ xuống! - Quý ròm hét như sấm - Ngươi định làm náo loạn công đường hả? - Dạ, thảo dân không dám ạ! - Nhỏ Xuyến Chi méo xệch miệng - Thảo dân chỉ xin Bao đại nhân nhẹ tay cho! Ðại nhân mà đập thêm một cái nữa, ngày mai thảo dân sẽ không còn lọ mực đâu mà đem đi học ạ! Vẻ mặt hớt hơ hớt hải của “Trương thị” khiến những ai có mặt ở “công đường” đều ôm bụng cười bò. “Công Tôn tiên sinh” nghiêm trang, đạo mạo là thế mà cũng không khỏi che miệng cười rúc rích. Chỉ riêng “Bao đại nhân” không cười. Ngài nghệt mặt ra một lúc rồi hắng giọng: - Triển hộ vệ! - Dạ, có thuộc hạ! - Tiểu Long bước tới một bước, ứng tiếng thưa. Quý ròm vung tay: - Ngươi đem cái lọ mực chết tiệt này trả cho Trương thị, rồi kiếm cho ta một cái gì đó để ta... gõ! “Ngự miêu” Tiểu Long phát huy sự khù khờ: - Bẩm đại nhân, cái gì là cái gì ạ? - Bất cứ cái gì! - Sự lẩm cẩm của Tiểu Long làm Quý ròm nóng gáy - Miễn gõ đánh “chát” là được! Thấy “Bao đại nhân” miệng mũi xịt khói, Tiểu Long không dám thắc mắc thêm một tiếng nào, lật đật quay mình đi xuống dưới. Lui cui giữa các dãy bàn một hồi, nó bước lên trịnh trọng đặt xuống trước mặt Quý ròm... một chiếc giày. - Hỗn xược! - Quý ròm gầm gừ - Sao ngươi có thể đưa cho bản phủ cái vật thối tha này được? Tiểu Long bối rối đưa tay quẹt mũi: - Dạ bẩm, vật này không thối tha đâu ạ! Ðôi giày này Hải đại phu mới mua hôm qua và mới mang sáng nay đấy! “Bao đại nhân” liếc xuống chỗ Hải quắn một cái rồi quay lại ngần ngừ nhìn chiếc giày: - Ngươi không nói dối bản phủ đấy chứ? - Bẩm, thuộc hạ không dám ạ! Quý ròm sờ tay lên chiếc giày: - Nhưng chiếc giày này gõ có kêu to không đấy? - Dạ, to lắm ạ! - Tiểu Long nhanh nhẩu quảng cáo - Ðế giày bằng nhựa cứng, lại có đinh nữa! - Thôi được! Ðể ta gõ thử xem! Nói xong, Quý ròm cầm chiếc giày nện xuống mặt bàn đánh “ầm” một tiếng, bụi bay mù mịt. Hai “thầy trò” vội vã ngả người ra sau và quýnh quíu đưa tay bịt mũi. Quân sư “Công Tôn Sách” đứng cách đó mấy bước cũng hấp tấp quay mặt đi chỗ khác. Mặt Quý ròm lập tức sa sầm: - Bụi bay mù trời như thế mà ngươi dám kêu là giày mới hả? Tiểu Long mặt mày xanh lè xanh lét. Mãi một lúc nó mới ấp úng đáp: - Bẩm đại nhân, giày mới thật mà! Chỉ có bụi là... cũ thôi! Cái lối đối đáp ấm ớ của “Triển Chiêu” lại khiến cả “công đường” cười nghiêng cười ngửa. Tràng cười làm “Bao đại nhân” tím mặt. Ngài quắc mắt nhìn người thuộc hạ, miệng hét vang: - Còn không đi làm phận sự đi! Ngươi định đứng đó làm trò cười đến bao lâu nữa! Tiểu Long gãi tai: - Bẩm, phận sự gì ạ? Quý ròm đưa hai tay lên trời: - Triển hộ vệ ơi là Triển hộ vệ! Ngươi theo bản phủ bao nhiêu năm sao vẫn còn ngờ nghệch quá thế! Rồi thấy sau khi mình than trời thống thiết, “Triển Chiêu” mặt mày vẫn tiếp tục láo ngáo, Quý ròm đành... bứt râu, nói rõ: - Ngươi lập tức đi bắt Trần Bội Linh về quy án cho ta! Tới đây, Tiểu Long mới nhớ ra. Nó buột miệng “à” một tiếng rồi quay mình phi thân lên... ghế, phóng đi. Lát sau, bị can Bội Linh được giải tới. Quý ròm đập chiếc giày: - Nước có quốc pháp, nhà có gia quy! Tên thảo dân lỗ mãng kia, đến trước công đường sao ngươi không quỳ xuống mà còn đứng trơ mắt ếch ra đó nhìn xương sườn của bản phủ? Nhỏ Bội Linh chớp mắt: - Bẩm Thanh Thiên đại lão gia, hôm qua thảo dân chơi cầu lông bị té trặc đầu gối nên không quỳ được ạ! - Thôi được, cho ngươi đứng trả lời! - Quý ròm gật gù - Bây giờ nghe bản phủ hỏi đây! Trương thị ở huyện Hóc Môn tố cáo ngươi lẻn vào nhà đánh cắp một chùm dây thun, chuyện đó có không? Nhỏ Bội Linh lí nhí: - Dạ, có ạ! - Trương thị cũng tố cáo ngươi xô thị ngã té gây thương tích trầm trọng, chuyện đó có không? - Dạ, cũng có luôn ạ! - Hảo! Thấy “Trần thị” miệng mồm nhanh nhẩu, Quý ròm khoái chí gục gặc đầu. Nhưng đang lúc ưỡn ngực định hùng hồn luận tội, mặt mày Quý ròm đột nhiên nhăn nhó và nó bất thần phán một câu trớt quớt khiến cả công đường sững sờ: - Nhận tội thành khẩn như thế là tốt lắm! Hảo, hảo! Thôi, bãi đường! Mệnh lệnh kỳ quặc của “Bao đại nhân” đến quân sư “Công Tôn Sách” cũng phải há hốc miệng: - Bẩm đại nhân... - Khỏi bẩm! - Quý ròm vừa khoát tay vừa tót ra khỏi ghế - Bản phủ chỉ bãi đường tạm thời thôi! Năm phút sau, bản phủ sẽ thăng đường xử tiếp! “Công Tôn Sách” vẫn tròn mắt: - Nhưng đại nhân... đi đâu thế? Mặt Quý ròm nhăn như bị: - Ta thực hiện nhiệm vụ bí mật Hoàng thượng giao, ngươi không được phép tò mò! Vù một cái, Quý ròm đã phóng ra khỏi cửa lớp, co giò chạy thẳng. Thằng Lâm đứng ngoài cửa dòm theo một hồi rồi quay vào, hí hửng reo: - A, tao biết rồi! Bao đại nhân đi... vệ sinh! Thông báo của thằng Lâm khiến cả lớp cười lăn bò càng. Hải quắn vừa đập bàn “thùng thùng” vừa bô bô: - Bao đại nhân cũng là con người, cũng có máu có thịt và có... “nước chảy về đông”, từ nãy đến giờ muốn giữ trong người mà “mãi sao ta không giữ được”! Lớp trưởng Xuyến Chi đỏ mặt quay lại: - Ðủ rồi nghe bạn Hải! Không có nói bậy à! Quý ròm không biết bạn bè đang giễu cợt mình. Một lát, nó quay vào với dáng điệu đường bệ và oai vệ ra lệnh: - Thăng đường! Quới Lương vọt miệng: - Bẩm Thanh Thiên đại lão gia, ngài đã làm xong công việc Hoàng thượng giao chưa ạ? - Xong rồi! - Không biết thằng Quới Lương tinh quái đang giăng bẫy, Quý ròm trịnh trọng gật gù - Bản phủ chỉ làm nhoáng một cái là xong! - Nhưng sau khi làm xong, ngài có nhớ dội nước không ạ? Câu hỏi của Quới Lương khiến “Bao đại nhân” chết đứng như bị “bọn hắc đạo” bất thần điểm huyệt. Còn “công đường” thì như muốn nổ tung. Quý ròm vừa thẹn vừa giận nhưng rốt cuộc không nhịn được, nó đành phải phì cười. Có đến mười phút, “công đường” mới thôi náo loạn. Chờ cho trật tự vãn hồi đâu đó, Quý ròm mới đập bàn “xử” tiếp: - Trần Bội Linh! - Dạ, có tiểu nữ! - Như vậy là ngươi đã nhận mọi tội lỗi rồi phải không? - Dạ. Quý ròm nghiêm mặt: - Vậy thì ngươi nghe bản phủ luận tội đây! Ngươi manh tâm đánh cắp đồ đạc của hàng xóm là bất nghĩa, đánh cắp xong còn hành hung người là bất nhân, vào công đường giả bộ trặc chân không chịu quỳ là bất... bất... Thấy “Bao đại nhân” cà lăm lâu lắc, “Công Tôn Sách” khẽ nhắc: - Bất lịch sự! - À, phải rồi! - Quý ròm mừng rơn - Vào công đường không chịu quỳ là bất lịch sự. Một người vừa bất nghĩa vừa bất nhân vừa... bất lịch sự thì phép nước đạo trời không thể dung thứ. Bản phủ phạt ngươi tội... cạo đầu, ngươi có phục không? Nhỏ Bội Linh đứng thẳng người lên, giọng thách thức: - Tiểu nữ phục nhưng e có người không phục ạ! Quý ròm đập chiếc giày đánh “bốp”, mắt long lên: - Hỗn xược! Xưa nay bản phủ “thiết án như sơn”, làm gì có ai dám không phục? Ðúng vào lúc “Bao đại nhân” đang hùng hùng hổ hổ, “Công Tôn Sách” giật mình nhớ tới một việc, liền bước lại kề tai nói nhỏ: - Ðại nhân nên cân nhắc cẩn thận! Học trò nhớ ra rồi, Trần Bội Linh hình như là cháu họ của Bàng Thái sư đấy! Nghe nhắc đến Bàng Thái sư, “Bao đại nhân” càng điên tiết: - Bàng Thái sư thì Bàng Thái sư chứ! Nếu ông ta phạm tội, ta cũng... cạo trọc lóc cái đầu của ông ta nữa là! Ngay lúc đó, có tiếng hô vọng lên từ dưới lớp, nghe rõ là giọng thằng Quốc Ân: - Bàng Thái sư tới... ới... i... “Bao đại nhân” lật đật đứng lên khỏi ghế, quay người ra cửa, vòng tay cúi đầu: - Bao Chửng tham kiến Thái sư! Bàng Thái sư quả là uy nghiêm khiếp người. Từ khi Thái sư bước vào, “công đường phủ Khai Phong” cứ im phăng phắc. Nhưng cái sự yên lặng quá đáng này lại khiến Quý ròm lấy làm lạ. Theo kịch bản, khi thủ vai Bàng Thái sư, thằng Lâm phải vênh vênh váo váo, đi đứng khệnh khạng để chọc cười. Ðây có phải là phủ Khai Phong thật và thằng Lâm có phải là Bàng Thái sư thật đâu, sao thiên hạ im thít thế kia? Quý ròm tự hỏi và từ từ ngẩng đầu lên. Nó không ngọ nguậy còn khá, vừa ngẩng đầu lên, “Bao đại nhân” giật bắn người như chạm phải lửa. Người mà khi nãy nó vừa cúi đầu “tham kiến” và bây giờ đang đứng im lặng trước mặt nó và nhìn nó bằng ánh mắt sửng sốt kia so ra còn đáng sợ hơn cả Bàng Thái sư. Ðó chính là cô Trinh chủ nhiệm lớp. Nhỏ Xuyến Chi bảo sáng nay cô Trinh đi họp trên phòng giáo dục đến mười giờ mới về, sao cô về sớm vậy kìa? Quý ròm ngạc nhiên nhủ bụng và đưa đôi mắt lo lắng nhìn cô giáo, nó rụt rè thưa: - Chào cô ạ! - Bây giờ thì chào cô chứ không “tham kiến Thái sư” nữa à? Cô Trinh nghiêm trang hỏi. Mặt Quý ròm đỏ ửng: - Thưa cô, em không dám ám chỉ cô là... Bàng Thái sư đâu ạ! Ðó chỉ là sự tình cờ thôi! Rồi sợ cô Trinh không tin, Quý ròm vội vã nói thêm: - Tới đoạn này, đáng lẽ bạn Lâm đóng vai Bàng Thái sư phải bước vô, không hiểu sao bạn ấy chạy đâu mất và... - Tao còn ở đây chứ chạy đi đâu! - Tiếng thằng Lâm từ ngoài cửa oang oang vọng vào - Tao đang định bước vô thì cô giáo xuống tới, tao đành phải nhường đường cho cô chứ biết làm sao! Cô Trinh quay ra cửa, vẫy tay: - Lâm vào chỗ ngồi đi! Rồi cô lướt mắt qua bọn Quý ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh, Xuyến Chi và Bội Linh: - Các em cũng về chỗ cả đi! Như được tha bổng, “Bao Thanh Thiên”, “Triển Chiêu”, “Công Tôn Sách” và hai kẻ “thảo dân” ở huyện Hóc Môn thở đánh phào và rón rén quay về bàn mình. Từ khi cô Trinh thình lình xuất hiện, công đường giả bỗng chốc hóa thành công đường thật. Cả lớp im thít nghển cổ nhìn lên bàn cô giáo, thấp thỏm chờ xem cô sẽ xử tội làm náo loạn lớp học của cả lớp như thế nào, nhất là trong số những kẻ đầu têu lại có cả lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó học tập Hạnh. Ðó là chưa kể Quý ròm còn dám kêu cô là Bàng Thái sư, nhân vật phản diện đáng ghét nhất trong bộ phim Bao Thanh Thiên đang chiếu mỗi ngày trên Ðài truyền hình thành phố. Nhưng cô Trinh chẳng có vẻ gì muốn ra lệnh “khai đao”. Cô đưa mắt nhìn một vòng khắp lớp rồi tươi cười hỏi: - Các em thích phim Bao Công lắm phải không? Thấy cô giáo vui vẻ, cả lớp nhao nhao: - Dạ, thích lắm cô! - Phim Bao Công hấp dẫn lắm cô ơi! Thằng Lâm cao hứng ngoác miệng đọc to lời bài hát trong phim: - Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên Thiết diện vô tư, rõ ngay gian Anh hùng hào kiệt yêu trợ giúp Vương Triều Mã Hán ở cạnh bên Toàn thiên thử thân như chim én Triệt địa thử... Sợ “thi sĩ Hoàng Hôn” biến lớp học thành Câu lạc bộ thi ca và âm nhạc, cô Trinh liền cắt ngang: - Nhưng em Lâm có biết Bao Công là ai không? Thấy cô chú ý đến mình, Lâm nhanh nhẩu vọt miệng: - Biết, cô! Bao Công tức là Bao Thanh Thiên! Những đứa khác sợ mất phần, liền tranh nhau đáp: - Là Thanh Thiên đại lão gia, cô! - Là Bao hắc tử, cô! - Là Âm Dương phán quan nữa, cô! Cô Trinh gõ tay xuống bàn ra hiệu cho cả lớp im lặng, rồi thong thả nói: - Ðiều cô muốn hỏi là tiểu sử của Bao Công kìa! Cô không hỏi các biệt danh. Em nào biết thì giơ tay lên! Cô Trinh vừa nói xong, gần một nửa lớp rùng rùng giơ tay khiến cô không khỏi ngạc nhiên. Cô chỉ Tần: - Em nói đi! Tần đứng dậy, mặt mày hớn hở: - Thưa cô, Bao Công tên thật là Bao Chửng, sinh tại Hợp Phì, Lư Châu thuộc Trung Quốc. Vì ông xử án công minh nên người ta gọi ông là Bao Thanh Thiên! - Rồi để khoe khoang sự hiểu biết của mình hơn nữa, nó hùng hồn “giảng” cho cô giáo - Thanh Thiên tức là “trời xanh” đó cô! - Ðiều đó thì cô biết rồi! - Cô Trinh mỉm cười - Thế em còn biết gì về nhân vật Bao Công nữa! Tần chưa kịp đáp thì những đứa giơ tay nãy giờ đã rần rần: - Em, cô! - Em nè, cô! Cô Trinh chỉ nhỏ Hiền Hòa: - Em! Hiền Hòa đứng dậy: - Thưa cô, ngoài thời gian làm Phủ doãn phủ Khai Phong, Bao Công còn giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như Giám sát ngự sử, Long Ðồ các Trực học sĩ và Khu mật Phó sứ nữa ạ! - Còn gì nữa không? - Dạ, hết rồi ạ! Nghe nhỏ Hiền Hòa bảo “hết”, thằng Lâm nóng nảy vọt miệng: - Thưa cô, bạn Hiền Hòa kể còn thiếu cô ơi! - Còn thiếu? - Cô nhìn Lâm. Lâm đứng dậy: - Dạ, đúng thế ạ! Ngoài những chức vụ trên, Bao Công còn làm Gián quan Viện Tư gián, làm Tam ty sứ, và lúc mất còn được truy phong làm Lễ bộ thượng thư nữa ạ! Ðám học trò khiến cô Trinh càng lúc càng kinh ngạc. Chẳng biết bằng cách nào chúng lại thuộc lòng tiểu sử cái ông Bao Công này như thế! Cô hỏi: - Các em đọc được những điều đó từ đâu thế? - Ðọc ở trong báo đó cô! - Cả lớp đồng thanh “giải đáp thắc mắc” cho cô chủ nhiệm - Từ hồi Ðài truyền hình chiếu phim Bao Thanh Thiên, cả chục tờ báo viết về ổng, tụi em tìm đọc rồi đem đố nhau, riết rồi đứa nào cũng thuộc hết cô ơi! Thấy cô Trinh có vẻ quan tâm đến đề tài Bao Công, thằng Lâm bép xép không bỏ lỡ cơ hội khoe khoang “kiến thức”: - Em còn biết diễn viên đóng vai Bao Công là Kim Siêu Quần nữa đó cô! Kim Siêu Quần đóng phim được trả hai trăm ngàn đô-la Hồng Kông mỗi giờ, vợ Kim Siêu Quần là Trần Kỳ... - Thôi, thôi, đủ rồi em! - Cô Trinh hoảng hốt khoát tay, sợ thằng Lâm nổi hứng lôi tuột cả cháu chắt của ông Kim Siêu Quần này ra kể đến tối - Cô hỏi về nhân vật Bao Công chứ có hỏi về diễn viên đóng vai Bao Công đâu! - Về Bao Công hả cô? Lâm liếm mép, vẻ như chưa chịu thôi. Nó vốn ghiền phim Bao Thanh Thiên như con nít ghiền kẹo kéo. Cả tháng nay, nó sưu tầm các bài báo viết về những gì liên quan đến bộ phim này và cắt dán đầy cả một cuốn tập. Tại cô Trinh không cho kể chứ nếu không, nó có thể kể vanh vách về đời tư của các diễn viên Kim Siêu Quần, Hà Gia Kính, kể cả những diễn viên phụ như Long Long, Dương Hùng... - À! - Ðang nghĩ ngợi, Lâm chợt nhớ ra liền buột miệng reo - Em còn biết năm sinh và năm mất của ông Bao Công nữa đó cô! Ổng sinh năm 999, đậu tiến sĩ năm 1027 và mất năm 1062. Cô Trinh gật đầu: - Thế ông Bao Công làm quan dưới triều vua nào? Lâm đáp như máy: - Thưa cô, dưới triều vua Tống Nhân Tông ạ! - Giỏi lắm! - Cô Trinh khen, rồi gật gù hỏi tiếp - Thế lúc đó nước ta đang ở dưới triều vua nào? Tới đây thì Lâm tắc tị. Nó đứng thộn mặt một hồi, rồi ấp úng: - Thưa cô, điều đó đâu có trong phim Bao Thanh Thiên ạ! Cô Trinh vẫn điềm nhiên: - Không có trong phim Bao Thanh Thiên nhưng có trong môn lịch sử chứ? Em chưa học qua sao? - Em cũng chẳng nhớ nữa! - Lâm gãi đầu - Có thể em đã học nhưng bây giờ em quên mất rồi ạ! Cô Trinh quay nhìn cả lớp: - Em nào có thể trả lời được? Khi cô hỏi về Bao Công, cả chục đứa nhao nhao tranh nhau đáp nhưng lúc này thì cả lớp im ru. Cô Trinh vẫn kiên trì chờ đợi. Nhưng lớp học vẫn kiên trì làm thinh khiến cô sốt ruột, lại hỏi: - Sao? Chả lẽ không em nào biết hay sao? Câu hỏi gặng của cô khiến thằng Lâm nhột nhạt quá chừng. Nó liếm môi đáp bừa: - Thưa cô, lúc đó nước ta đang ở triều vua Lê Lợi ạ! Thấy cô giáo lắc đầu, Hải quắn liền vọt miệng cầu may: - Triều nhà Trần, thưa cô! Cô Trinh lại lắc đầu: - Các em phải suy nghĩ kỹ càng trước khi trả lời chứ! Lê Lợi chống giặc Minh, Trần Hưng Ðạo chống giặc Nguyên Mông, trong khi ở đây là nhà Tống kia mà! Ðược cô gợi ý, lớp phó trật tự Minh Vương thập thò giơ tay: - Thưa cô, trong sách nói Lý Thường Kiệt phạt Tống bình Chiêm, như vậy thời nhà Tống bên Trung Quốc chắc ở nước mình đang là nhà Lý hở cô? - Ðúng rồi! - Cô Trinh gục gặc đầu - Nhưng là triều vua nào của nhà Lý! Minh Vương nói đúng được nhà Lý đã là phúc ba đời, còn nói rõ triều vua nào nữa thì có tài thánh nó mới mong đáp được. Nó ngần ngừ một lúc rồi ngượng ngùng thú nhận: - Thưa cô, em không biết ạ! Cô Trinh lại quay nhìn cả lớp: - Sao, chẳng em nào biết ư? Bao Công đỗ tiến sĩ năm 1027, vậy năm đó nước ta đang ở dưới triều vua nào? Cả lớp xì xào bàn tán, đầu cổ quay tới quay lui nhặng xị nhưng mãi vẫn không có cánh tay nào đưa lên. Tiểu Long liếc Quý ròm: - Sao mày? - Sao cái gì? - Năm 1027, nước mình thuộc triều vua nào? - Thuộc nhà Lý. Tiểu Long nhăn mặt: - Dĩ nhiên là nhà Lý, nhưng Lý gì? - Lý Tiểu Long chứ Lý gì! Quý ròm buông một câu ngang phè khiến Tiểu Long sầm mặt: - Dẹp mày đi! Tao hỏi thật mà mày cứ đùa! - Chứ không đùa thì tao biết làm gì! - Quý ròm bứt tai - Những chuyện này, bố ai nhớ nổi! Mày hỏi nhỏ Hạnh thì may ra! Nhỏ Hạnh ngồi tuốt ngoài đầu bàn. Tiểu Long phải nhoài người qua lưng Quý ròm khều áo nó: - Hạnh nè! - Gì? - Nhỏ Hạnh quay lại. - Hạnh có biết lúc đó là triều vua nào không? Nhỏ Hạnh chưa kịp đáp thì cô Trinh đã trông thấy: - Em Long làm gì mà ngả tới ngả lui thế? Tiểu Long hoảng vía phân trần: - Thưa cô, em định hỏi xem bạn Hạnh có biết được triều vua nào không ạ! Câu trả lời của Tiểu Long khiến cô Trinh đưa mắt nhìn sang người học trò cưng của mình. Nhỏ Hạnh học môn văn của cô giỏi nhất lớp, tính nết lại ngoan ngoãn, siêng năng, trước nay vẫn thường giúp cô trong công việc sổ sách. Nhưng không chỉ có vậy, nhỏ Hạnh của cô còn nổi tiếng trong toàn trường là người có trí nhớ siêu hạng, “một bộ từ điển bách khoa biết đi”. Thế mà cô quên bẵng mất. Cô liền hắng giọng gọi: - Hạnh! Nhỏ Hạnh khép nép đứng dậy: - Dạ. - Em có thể trả lời câu hỏi vừa rồi không? - Dạ, được ạ! - Em nói cho các bạn nghe đi! Nhỏ Hạnh chớp mắt: - Thưa cô, ở nước ta vua Lê Ðại Hành trị vì từ năm 980 đến năm 1005, vua Lý Thái Tổ trị vì từ năm 1010 đến năm 1028, vua Lý Thái Tông trị vì từ năm 1028 đến năm 1054. Như vậy, căn cứ theo những cột mốc về thời gian thì Bao Công sinh ra vào thời vua Lê Ðại Hành ở nước ta, đỗ tiến sĩ vào thời vua Lý Thái Tổ và ra làm quan vào thời vua Lý Thái Tông ạ! Nhỏ Hạnh thao thao liệt kê một loạt những dãy số khiến cả lớp ngẩn ngơ. Tuy chẳng lạ gì kho kiến thức đồ sộ của “nhà thông thái” mang kiếng cận này, nhiều cái miệng vẫn “ồ” lên thán phục. Cô Trinh dĩ nhiên quá sức hài lòng. Cô gật gù: - Giỏi lắm! Một người Việt Nam phải hiểu biết về lịch sử của nước mình rành mạch như thế chứ! Rồi cô nói thêm: - Các em tìm hiểu về nhân vật Bao Công cũng tốt. Nhưng nếu chỉ hiểu về lịch sử nước người trong khi hoàn toàn mù mờ về lịch sử nước mình thì không hợp lý chút nào! Thằng Lâm giơ tay: - Nhưng thưa cô, Ðài truyền hình chỉ chiếu phim về Bao Thanh Thiên, Tần Thủy Hoàng chứ có chiếu phim về Lê Ðại Hành hay Lý Thái Tổ đâu ạ! Trước băn khoăn cắc cớ của Lâm, cô Trinh thoáng bối rối. Nhưng rồi cô trấn tĩnh được ngay. Cô nói: - Ðó là khiếm khuyết của các nhà làm phim. Nhưng các em không thể vin vào đó để bào chữa cho sự lơ là của mình đối với môn lịch sử được! Lâm vẫn chưa chịu thôi. Nó cố phân bua cho bằng được: - Nhưng thưa cô, có phải ai cũng nhớ nổi các triều vua thời xưa đâu ạ! Bạn Hạnh là người đến từ... hành tinh khác, là trường hợp ngoại lệ rồi cô ơi! Những điều thằng Lâm nói tuy là ương bướng nhưng không phải hoàn toàn vô lý. Quốc Ân, Quới Lương và Hải quắn, ba đứa trong băng “tứ quậy” lập tức hùa theo bạn: - Ðúng rồi đó cô! - Gì chứ những năm lên ngôi rồi xuống ngôi khó nhớ lắm cô ơi! Cô Trinh vẫy tay cho cả lớp yên lặng, rồi điềm nhiên hỏi lại: - Thế tại sao các em lại nhớ vanh vách năm sinh, năm mất, cả năm đỗ tiến sĩ của ông Bao Công ở bên Trung Quốc thế? Câu hỏi vặn của cô Trinh khiến bọn Quới Lương “tắt đài” ngay tắp lự. Nhưng cô Trinh dường như không chú ý đến ba đứa “a dua” đó. Trước những khuôn mặt đang ngẩn ra của băng “tứ quậy”, cô thong thả giở xấp bài đặt trên bàn rồi nhìn thẳng vào chỗ thằng Lâm đứng, cô nghiêm nghị nói tiếp: - Em Lâm không chỉ không biết về các triều vua thôi đâu! Em còn không biết nhiều điều quan trọng khác nữa! Xấp bài đang nằm trước mặt cô Trinh là xấp bài tập làm văn lớp 8A4 nộp từ tuần trước. Ðó là bài văn phân tích tác phẩm. Ðề bài yêu cầu tìm hiểu, phân tích tâm trạng của con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của tác giả Thế Lữ. Khi cô vừa giở xấp bài vừa tuyên bố thằng Lâm không hiểu nhiều điều quan trọng về lịch sử, cả lớp ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu cô định nói gì. Cô Nga dạy môn sử. Cô Trinh chỉ dạy môn văn. Và bài làm cô sẽ phát ra hôm nay là bài tập làm văn chứ có phải bài kiểm tra sử đâu. Nhiều đứa đoán non đoán già một hồi chẳng ra, liền ngoảnh cổ nhìn Lâm nhưng thấy thằng này mặt mày chả biểu lộ cảm xúc gì, lại ngước lên nhìn cô, chờ đợi. Cô Trinh dường như muốn kéo dài sự hồi hộp cho học trò hơn nữa. Cô kêu lớp trưởng Xuyến Chi lên, đưa xấp bài cho nó phát ra. Riêng bài làm của Lâm thì cô giữ lại. Thấy đứa nào cũng có bài làm trong tay, chỉ riêng mình chờ hoài không thấy, Lâm cứ nhấp nha nhấp nhổm, mắt dán chặt vào xấp giấy ngày một vơi trên tay Xuyến Chi. Ðến khi nhỏ Xuyến Chi phát xong bài tập làm văn cuối cùng, Lâm không nhịn được, liền gọi giật: - Xuyến Chi! Bài của tôi đâu? Nhỏ Xuyến Chi chỉ tay lên bàn cô giáo: - Bài của bạn ở trên kia kìa! Lâm thấp thỏm nhìn theo tay chỉ của Xuyến Chi. Ðúng lúc đó, cô Trinh cầm bài văn trước mặt lên, hắng giọng: - Bây giờ các em yên lặng nghe cô đọc bài làm của bạn Lâm... Ðang ồn ào hỏi điểm nhau, nghe cô nói vậy, cả lớp lập tức im phăng phắc. Ðứa nào đứa nấy nín thở nhìn chăm chăm vào tờ giấy trên tay cô, mặt mày háo hức hệt như khán giả đang chờ sân khấu kéo màn vậy. Bài văn của Lâm đoạn đầu không có gì đáng nói, cũng tương tự bài làm của những đứa khác. Nhưng đến đoạn sau đây thì cô Trinh nhấn mạnh từng chữ: “Nhìn cảnh vật chung quanh, hổ nhớ lại thời quá khứ oanh liệt, thời “tung hoành hống hách những ngày xưa”, cũng giống như những lúc em cùng ba mẹ ra ngồi chơi bên bến Bạch Ðằng, nhìn sóng nước bềnh bồng bỗng nhớ lại ngày xưa Trần Hưng Ðạo đã oanh liệt đánh đắm tàu giặc nơi đây...”. Ðọc đến đây, cô Trinh ngừng lại và ngước mắt nhìn khắp lớp, hỏi: - Bạn Lâm viết như vậy có chính xác không, các em? Nhỏ Hiền Hòa nhanh miệng: - Thưa cô, không ạ! - Thế bạn Lâm đã viết sai chỗ nào? - Thưa cô, bến Bạch Ðằng ở thành phố Hồ Chí Minh không phải là nơi Trần Hưng Ðạo đánh nhau với quân Nguyên Mông ạ! Cô Trinh chưa kịp nói gì, Lâm đã quay sang nhỏ Hiền Hòa, ngoác miệng cãi: - Ai bảo bạn là không phải? Bộ bạn không thấy bên cạnh bến Bạch Ðằng còn có bến Chương Dương và bến Hàm Tử nữa sao? Trong sách sử có viết rõ ràng mà còn cãi bướng! Trong khi nhỏ Hiền Hòa đang ngớ ra trước những “dẫn chứng hùng hồn” của Lâm thì Minh Vương hăm hở giơ tay: - Thưa cô, bạn Lâm nói không đúng ạ! Bến Bạch Ðằng, bến Chương Dương và bến Hàm Tử là tên đường chứ không phải tên sông ạ! Lâm còn đang ngơ ngác trước sự “tấn công” đột ngột của Minh Vương thì cô Trinh đã gật đầu: - Minh Vương nói đúng! Con sông mà gia đình em Lâm thường ra ngồi trên bờ hóng mát là sông Sài Gòn chứ không phải sông Bạch Ðằng... Thấy cô giáo bênh vực hai đứa kia, Lâm tức tối cãi: - Thế tại sao lại có tượng Trần Hưng Ðạo đứng trên bờ chỉ tay xuống sông hở cô? Cô Trinh mỉm cười: - Việc dựng tượng các danh nhân lịch sử ở nơi này nơi khác để kỷ niệm có phải là chuyện lạ đâu em! Ở Ngã sáu Sài Gòn có tượng Thánh Gióng, ở Ngã sáu Chợ Lớn có tượng An Dương Vương, như vậy đâu có nghĩa làng Gióng hoặc huyện Phong Khê thuộc thành phố Hồ Chí Minh! Nghe cô Trinh giải thích một hồi, Lâm nghe lòng dịu lại. Nó định hỏi cô thế sông Bạch Ðằng nằm ở đâu thì thằng Dưỡng đã nhanh nhẩu: - Thế sông Bạch Ðằng chính là sông Hồng, phải không cô? - Sông Bạch Ðằng nằm ở miền Bắc nước ta nhưng không phải là sông Hồng! - Cô Trinh khẽ lắc đầu - Sông Bạch Ðằng thuộc tỉnh Hải Dương cũ, dài hơn hai mươi ki-lô-mét, trước đây còn có tên là sông Vân Cừ hay sông Rừng. Chính tại dòng sông này, năm 938 Ngô Quyền đã dùng cọc lim vót nhọn bí mật cắm xuống sông để đánh quân Nam Hán, năm 981 Lê Hoàn đánh thắng quân Tống và năm 1288 Trần Hưng Ðạo lại dùng chiến thuật này để đánh thắng quân Nguyên Mông... Cô Trinh vừa nói xong, nhỏ Hiền Hòa liền quay xuống nhìn Lâm: - Thấy chưa! Bây giờ thì biết ai cãi bướng rồi nhé! Vẻ mặt vênh váo của nhỏ Hiền Hòa làm Lâm tức điên. Nó cong môi “xì” một tiếng: - Hừ, làm như giỏi lắm đấy! Nhỏ Hiền Hòa nhất quyết không chịu hiền hòa. Lâm vừa nói dứt, nó “độp” lại ngay: - Chứ gì nữa! Ít ra tôi cũng giỏi hơn người nào cứ đinh ninh Trần Hưng Ðạo đánh đắm tàu giặc trên sông Sài Gòn! Cú “phản kích” độc địa của nhỏ Hiền Hòa kéo theo những tiếng cười hí hí khiến Lâm tức muốn nẩy đom đóm mắt. Nó chỉ tay vào nhỏ Hiền Hòa, mặt mày đỏ gay: - Bạn giỏi sao hôm trước cô Nga bảo bạn kể tên các nữ tướng của nước ta, bạn kể ra một lèo tới... bốn bà Trưng lận! Ðòn trả đũa của Lâm còn “nặng ký” hơn đòn của “đối phương” gấp bội. Tới phiên nhỏ Hiền Hòa đứng chết trân giữa những tràng cười ngặt nghẽo vang lên từ các dãy bàn. Chả là hôm trước trong giờ sử, cô Nga kêu nhỏ Hiền Hòa kể tên năm nữ tướng của Việt Nam, nó chỉ kể được Bà Triệu, Hai Bà Trưng và Bà Lê Chân rồi tắc tị. Lắp bắp mãi, nó mới kể thêm được “nữ tướng” Mỵ Châu khiến cô Nga tròn xoe mắt: - Mỵ Châu là ai thế? - Dạ, là vợ của Trọng Thủy, thưa cô! Cô Nga cố nén cười: - Mỵ Châu không phải là nữ tướng! Nhỏ Hiền Hòa nhíu mày một hồi, lại đáp: - Thưa cô, đó là nữ tướng Mỵ Nương ạ! Lần thứ hai cô Nga tròn mắt: - Mỵ Nương nào thế em? - Dạ, Mỵ Nương là con vua Hùng Vương, người mà Sơn Tinh Thủy Tinh đi hỏi làm vợ đó cô! - Nhưng ai bảo em Mỵ Nương là nữ tướng? Nhỏ Hiền Hòa bối rối: - Dạ, không ai bảo cả ạ! Em chỉ đoán thế thôi! - Em đừng có đoán bừa! - Cô Nga tặc lưỡi - Nữ tướng phải là người có công đánh giặc kìa! - A, có công đánh giặc hả cô! - Nhỏ Hiền Hòa chợt reo lên - Vậy thì em nhớ ra rồi! Ðó là Trưng Trắc và Trưng Nhị ạ! Cô Nga cau mày: - Nhưng khi nãy em đã kể tên hai nữ tướng này rồi kia mà! - Ðâu có, cô! - Nhỏ Hiền Hòa ngạc nhiên một cách thành thật - Khi nãy em mới chỉ kể có Bà Triệu, Bà Lê Chân và Hai Bà Trưng thôi! Khi nhỏ Hiền Hòa nói tới đây, không chỉ cô Nga mà nhiều đứa trong lớp cũng đã muốn cười lắm rồi. Nhưng thấy cô Nga vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị, không đứa nào dám hé môi. Cô Nga làm nghiêm cũng chẳng phải dễ dàng gì. Phải vất vả lắm cô mới giữ được giọng nói bình thường: - Thế theo em, Hai Bà Trưng và Trưng Trắc, Trưng Nhị khác nhau như thế nào? Tới lúc này, thấy lớp học bỗng dưng xôn xao, lại nghe cô giáo hỏi vặn, nhỏ Hiền Hòa đã cảm thấy chột dạ l Trang: [1],2[>] Đến trang: