Không phải giặt đồ, không lau nhà, muốn ăn cơm lúc nào cũng được - khỏi rửa chén, đi chơi khuya có người chờ cửa... từ nay Tín chỉ có việc ăn, học, ngủ và đi chơi. Sướng gì đâu!
Sáng chủ nhật, Tín có thể ngủ nướng đến chín giờ rưỡi, lúc thò chân xuống giường chỉ cần nói:
-Tín muốn ăn hủ tíu!
Là có tiếng đáp:
-Cậu chờ chút, em đi mua liền đây!
Và cũng như mấy lần trước, Tín thốt lên:
-Trời ơi, bỏ giùm tôi chữ “cậu” đi, nghe giống trong cải lương quá!
Cô gái dạ lí nhí trong miện rồi lui xuống bếp. Phải hơn một tuần sau, Lọ Lem (biệt danh của cô gái ấy mà!) mới thôi không gọi là cậu. Hai ngày tiếp theo, Lem ngượng miệng, tránh mở lời với Tín, bất đắc dĩ phải giao tiếp thì nói trổng không. Ðến ngày thứ... n, đứa con trai lộn xộn này mới được kêu bằng “anh Tín”.
Ðúng vậy, Tín là đứa con trai lộn xộn nhất trên đời. Ðó là phát biểu của... “sư mẫu”. Mấy bữa trước thấy Tín thức đêm thức hôm học bài, “sư mẫu” chép miệng:
-Thôi, đi ngủ đi con, học khuya quá bịnh à!
Lợi dụng lúc “sư mẫu” đang xuống nước nhỏ, Tín... rên:
-Con cũng muốn học bài sớm, nhưng mà... còn phải giặt đồ, đi chợ, lau nhà, nấu cơm. Má nghĩ có nên mướn một người giúp việc không? Năm nay con học lớp 12 rồi, thầy cô cho bài nhiều quá...
Tín vừa mới nghĩ ra ý này thôi, và chỉ định nói chơi chơi, ai dè má “à” lên một tiếng rồi ra vẻ đăm chiêu. Dường như lúc này “sư mẫu” mới có dịp “nhìn lại” đứa con trai cưng. Ai nói con một là sướng? Má đi bán, ba đi làm suốt ngày, Tín “thầu” hết công việc nội trợ. Con trai vo gạo, giặt đồ riết hai bàn tay mềm nhũn, tội nghiệp ghê!
Thế là ba bữa sau Lem xuất hiện trong nhà này. Chẳng biết mỗi tháng “sư mẫu” trả cho Lem bao nhiêu tiền mà cô bé làm việc không ngớt tay, từ sáng đến tối. “Sư mẫu” gật gù, nhỏ này làm được, chỉ tội... hay khóc!
Mỗi lần Lem khóc là Tín muốn rơm rớm theo. Chịu không nổi! Chẳng thà òa lên một trận như mưa rào, đàng này, Lem cứ thút thít trong bếp, giữa đêm khuya. Tín ngồi học bài mà cứ nghĩ đâu đâu. Lem khóc vì nhớ nhà, hay Lem đói bụng? Lem có sợ chuột không? Lem sợ bị “sư mẫu” rầy?... Hôm sau Tín lại có đề xuất mới: Má à! Hay là cho con nhỏ này nghỉ đi! mới 16 tuổi mà đi ở mướn xa nhà, con thấy tội quá! Má đang ngồi đếm tiền, bực mình quát: “Thôi đừng có lộn xộn!”
Còn ba thì ôn hòa hơn, bảo chẳng qua đây chỉ là sự phân công xã hội. Mỗi người một nghề. Lem giúp việc cho nhà mình để ba má rảnh tay đi làm kiếm tiền về... trả lương cho nó. Bây giờ mà để Lem về quê, không có cơm ăn, còn tội hơn! Tín thở dài như ông cụ non.
... Trước khi đi học, ông cụ non căn dặn:
-Nhớ khóa cửa cẩn thận nghe chưa Lem, ở thành phố có nhiều ăn trộm lắm đó! Lau nhà, rửa ly tách, xong việc nếu còn buồn thì lấy sách của anh ra đọc, hoặc là lên In-tẹc-nét chơi...
Lem thốt lên:
-Em sợ té lắm!
-Cái gì? Lên In-tẹc-nét chứ bộ lên nóc nhà sao mà té! - Rồi Tín phá lên cười, sực nhớ con nhỏ này chỉ mới học lớp 4 dưới quê. Tín khoát tay – Thôi, rảnh quá thì đi ngủ cũng được. Nhưng nhớ là đừng giặt thau đồ của Tín, để đó về anh giặt.
Tín vừa phóng xe đi, Lem đã vội vã... gom quần áo của Tín đem giặt. Nhỏ mở rôbinê hết cỡ, nước tuôn ào ào. Bỗng tiếng chuông điện thoại réo vang, Lem giật thốt mình, hai tay ôm ngực. Có lẽ đây là lần đầu tiên Lem nhìn thấy cái điện thoại nổi điên, nó cứ reo từng hồi dồn dập, gấp gáp. Nhỏ suỵt suỵt mấy tiếng mà nó vẫn reo. Tức mình, Lem vớ chiếc dép định chọi một phát thì tự nhiên nó im bặt. Lem thở phào, nhủ bụng ăn trộm thành phố cũng biết sợ người nhà quê!
Tín đi học về thấy quần áo mình phơi đầy trước ngõ, anh chàng cáu tiết chạy xộc vô nhà, nói như quát:
- Người ta đã dặn rồi, sao còn...
Lọ Lem òa lên khóc ngon lành:
-Nhưng lần này em giặt kỹ lắm mà...
Tín đâm bối rối, chẳng biết nói làm sao. Trời ơi, ngốc ơi là ngốc, Lọ Lem ơi là Lọ Lem! Ðồ con trai... mới lớn ai lại để cho con gái... mới lớn đụng đến, kỳ thấy mồ! Mấy thằng bạn Tín mà biết được sẽ đồn rùm lên cho coi.
Tín dè dặt nói:
-Lỡ rồi, khóc hoài lụt nhà bây giờ! Lần sau nhớ quần áo của Tín để đâu thì để đó nghe chưa!
Chắc Lọ Lem còn tủi thân khóc đến chiều nếu cái điện thoại không đột ngột lại “nổi điên”. Vẫn bằng cái giọng làm giật mình ấy, nó réo lên. Lần này thì Lem đã có kinh nghiệm, nhỏ nhẹ nhàng tháo chiếc dép cầm trên tay, bước rón rén đến cái điện thoại. Tín kinh ngạc:
-Chuyện gì vậy?
Lem nói không ra hơi:
-Nó... nó đó... !
-Nó nào?
-Ăn... trộm...
Tín thản nhiên bóc ống nghe lên. Ở bên kia đầu dây có tiếng “sư mẫu”:
-Ở nhà có trộm hả con?
-Dạ đâu có.
- ...
- ...
- Ăn cơm xong nhớ biểu Lọ Lem lấy dưa hấu trong tủ lạnh cắt cho con ăn nghen!
-Má ơi, con lớn rồi – Tín cằn nhằn.
-Lớn rồi mà còn dại lắm! Chiều hôm qua con chở Lọ Lem đi đâu vậy?
-Thấy nó ở trong nhà hoài, bức bối quá, nên sẵn đi mượn tập ở nhà bạn, con chở nó đi dạo một chút!
-Tết nhứt đến nơi mà còn đi dạo! Con đừng quên nó là người giúp việc!
“Sư mẫu” gác máy cái cụp. Tín thấy gương mặt Lọ Lem nghệch ra, tội ơi là tội!
*
... Tết nhứt đến nơi nên đôi tay Lọ Lem không được nghỉ một phút. Vừa lặt lá mai xong là phải chạy vô nhà tháo rèm cửa đem giặt, lại còn chùi lư, lau cửa kính... ngán nhất là đống dưa hành củ kiệu “sư mẫu” mua về để trong bếp chờ Lem. Sợ nhỏ quên, mỗi sáng trước khi đi bán, “sư mẫu” ghi một danh sách dài những việc cần làm dán lên cửa. Lem làm xong việc nào rồi thì lấy bút chì đánh dấu chéo.
Lúc này Tín cũng không có thời gian chở Lem đi dạo, đơn giản vì anh chàng bận thi học kỳ. Một đống bài tập tích phân còn thấy ngán hơn dưa hành củ kiệu. Tín vẫn thức khuya học bài như dạo trước, có đỡ hơn là không còn bị nghe tiếng thút thít của Lọ Lem. Chắc Lem đã quen với ngôi nhà này, với cái điện thoại, tủ lạnh, quen không còn bỏ cái remote tivi vào giỏ rác như lúc mới đến. Và Lem cũng đã quen với “số phận ở dưới bếp” của mình. “Sư mẫu” nói như vậy còn sướng hơn ở quê, từ nhỏ đến lớn chỉ có một việc là đi bắt ốc. Ốc bắt riết cũng hết. Cả nhà không còn biết phải làm gì, ngồi nhìn nhau cho qua bữa.
Bảy ngày trong tuần, Tín tự nhủ dành ra một buổi giúp Lem làm việc nhà, ít nhất là mấy công việc cần đến sức vóc con trai như sơn cửa, quét mạng nhện, chỉ riêng việc dọn dẹp căn phòng bề bộn của Tín thôi cũng đủ mệt phờ. Thấy Tín lăng xăng, Lem vừa ngại vừa hồi hộp, chỉ sợ “sư mẫu” về bất chợt thấy đứa con trai cưng “bị con nhỏ người làm sai ngược lại” sẽ nổi trận lôi đình.
Tín bực mình nói:
-Sao em giống... má anh quá! Anh là con trai, lớn rồi, phải biết chia xẻ công việc nặng với con gái chứ!
-Nhưng mấy việc này đâu có nặng, em làm được mà!
-Anh biết, nhưng em đã làm nhiều rồi. Hãy nhìn vào kiếng mà xem, sáng mồng một con trai lớp anh đ ến chơi thấy em chắc chạy dài!
-Mặt em giống phù thủy lắm sao?
- Ưm... à... không hẳn là vậy. Nhưng nhìn một gương mặt hốc hác, bơ phờ, thiếu ngủ... chẳng thấy mùa xuân đâu hết!
Lọ Lem thẫn người ra. Thưở cha sanh mẹ đẻ đến giờ nhỏ đâu biết điều này. Lẽ nào mùa xuân lại... ở trên mặt mình?
-Ðó là chưa kể đầu năm ở nhà có gương mặt hảm tài, má anh rầy chết! - Câu này Tín nói giỡn, ai dè khiến Lem bủn rủn tay chân, nhỏ như muốn khóc:
-Em phải làm sao bây giờ?
-Dễ ợt! Bắt đầu từ bây giờ, em cứ tập... cười hoài cho anh.
... Nói đúng ra cười không phải là điều dễ, Tín nghĩ, có gì vui người ta mới nhoẻn môi được chứ. Với Lọ Lem, tết cũng như ngày thường thôi, có khi còn cực hơn vì phải rửa ly chén cho cả nhà tiếp khách liên tục.
*
... Tối giao thừa, Tín đi chùa hái lộc với “sư phụ, sư mẫu”, về đến nhà thấy Lọ Lem ngồi ngủ gục trong bếp, bên cạnh nồi thịt kho đang sôi ùng ục. Tín gọi khẽ:
-Dậy đi, cho em cái này nè.
Lem giật mình, ngó quanh quất như sợ “sư mẫu” trông thấy sẽ xui cả năm! Tín lấy trong túi ra một phong bao lì xì, khẽ khàng đặt vào tay Lem:
-Mở ra coi!
Trong ấy chỉ có ba hạt dưa.
Lem thật thà:
- Em đâu thích ăn thứ này!
Tín xúc động nói:
-Không có ba hạt dẻ, anh lì xì cho em... ba hạt dưa vậy. Em đã bước sang tuổi 17, khi nào chỉ có một mình, hãy nói ra điều ước đầu tiên của em...
Ðêm đó, Lọ Lem có một giấc mơ cổ tích. Ông bụt râu tóc như sương khói, tay cầm phất trần hiện ra mời Lem đi dạo, đến một nơi đông vui lắm, có cả ba má và mấy đứa em của Lem nữa. ai cũng cười, chỉ mình Lem không cười. Rồi tự nhiên ông bụt biến mất, trước mặt Lem lại là anh chàng Tín thường ngày. Tín ngồi trước máy vi tính, tay đặt lên con chuột, rủ Lem đi dạo trên In-tẹc-net. Lem rụt cổ, le lưỡi nói “Em sợ té lắm” rồi nhỏ bật cười. Lần này thì Tín reo lên:
-A, mùa xuân đã về!
Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng