Vì mùa hạ trong veo, nên cũng hay giữ đôi mắt của cậu trong veo như thế. Hứa với tớ, được chứ?
***
Chúng tôi vừa ra khỏi trường. Mùa hạ thả trên vai An những tia nắng vàng óng ánh. Tôi nhìn người mà tôi chơi thân gần năm năm và thấy nể phục quá đỗi. Buổi lễ ra trường vừa nãy, chúng tôi đã tham gia, đã cười và cũng đã khóc. Ba năm, một khoảng thời gian đủ dài để tôi lắp vào não mình những kỉ niệm thời áo trắng. Ba mùa hoa đỏ là ba mùa tôi nhận ra nghị lực vô hạn của một con người. Con người ấy đang đi bên cạnh tôi đây, một cô gái mười tám, hai bím tóc dày và đôi mắt trong veo.
Cơn mưa vừa qua khiến cả con phố ủ dột và rầu rĩ. Tôi vén bức rèm cửa, hy vọng đón tí ánh nắng cuối cùng của buổi chiều Đà Lạt. Mẹ tôi tất tả từ phố chạy vào nhà:
- Ba mẹ con An chết rồi!
Ba mẹ An giao rau trên Lâm Đồng, trời mưa to, đường lộ trơn, và chiếc xe lao xuống đồi. Thế đấy!
Tối đó, một cơn mưa khác đến và lê thê mãi trên phố, bẻ gãy vài cành thông bên đường và thổi vào mi An những giọt nước. Tôi đến nhà An.
An cứ khóc, khóc sướt mướt, ngắt quãng và hâm hự. Khóc mệt rồi thì ngủ. Tôi chẳng nói gì, và tôi trở về nhà.
***
Chúng tôi cuốc bộ lên con dốc. Một ý nghĩ hơi điên rồ. Hai bên đường, những cánh bằng lăng rơi rớt. Một màu tím, lãng mạn nhưng sến súa.
- Cậu vào Sài Gòn ngay chứ? - tôi hỏi.
- Tớ không chắc, nhưng có lẽ ngày mai.
- Hừm, tớ không hiểu tại sao cậu lại chọn cái trường trong đó. Ở đây với tớ không được à?
- Ai biểu cậu không đi với tớ. Mà tớ cũng chẳng muốn ở đây nữa, cậu hiểu mà.
Tôi hiểu chứ. Ba năm An ở đây, ba năm chịu bao cực khổ và cay đắng, ba mẹ mất, họ nội ruồng rẫy, giáo viên ghét, bạn học cũng chẳng mấy đứa ưa. Thế mà cô bạn tôi vẫn sống và vẫn vui vẻ. Những đám mây trắng phủ mờ phía ngọn đồi xa xa. Chúng quấn lấy nhau, và kéo nhau đi từ ngọn thông này sang ngọn thông khác. Trông chúng thật thư thái và yên ả. Cũng như bọn tôi lúc này đây, sau bao ngày tháng vật vã đèn sách thì giờ cũng đã bỏ lại cái thời học sinh trong lưu bút. Và bây giờ cảm thấy tiếc nuối.
***
Tháng mười, trời rét, và tôi phải choàng khăn.
An về sống chung với cô, một người phụ nữ bị chồng bỏ và có ba mụn con.
Một buổi tối, trời mưa lất phất, rét đến gấu Bắc Cực cũng phải khoác áo. Tôi ra hồ, và An đợi tôi ở đấy. Bạn tôi lại khóc, sướt mướt và tỉ tê. Tôi hiểu mà, cô An khó khăn về vật chất, nghèo khổ về tinh thần, thêm cái tính lảm nhảm thiên bẩm. Và thế là đủ hiểu !
Trận mưa đến và gió thét qua những tán cây quanh hồ. An vẫn ngồi đó, tôi cũng ngồi. Hai đứa cùng ngồi. Và sáng hôm sau, hai đứa bị sốt.
Trận sốt hành hạ tôi bọn chừng năm ngày rồi tan theo những toa thuốc.
An vác ba lô ra hồ, ngồi trên một cái ghế đá và quơ đôi chân một cách hồn nhiên đến phát bực.
- Cậu điên à, định bỏ nhà đi ấy hả?
- Có sao đâu, ba mẹ tớ có sổ tiết kiệm trong ngân hàng ấy. Đi, tớ cần cậu dắt tớ tới một cái nhà trọ nào đó có cái vườn rau.
- Cậu định ăn trộm rau sống sót qua ngày à.
An bỏ ngoài tay lời bông đùa của tôi, quăng ba lô lên xe vào đạp xe đi trước.
- Này, cậu không cần dẫn đường à? - tôi nói, rồi mặc An có trả lời không, tôi đạp xe rượt theo.
Tháng hai, trời có những cơn gió chướng, và những hàng thông rung mình trong gió.
An dẫn xe ra khỏi cổng trường:
- Này, cậu có muốn chơi cái trò nào đó cho vui không?
- Trò gì, tớ thắng cậu chắc luôn.
- Bỏ xe đạp ở đây, và cùng tớ leo lên ngọn đồi kia. - An nó và trỏ tay lên ngọn đồi phía trời lặn.
- Cậu có sao không đấy, trán bị ấm hở?
- Ấm như cậu đấy. Ai lên trước sẽ nhận một chầu chè khúc bạch từ người thua. Tớ đi trước nghen.
An nói và chạy một hơi lên đồi, tôi rượt theo. An cấu cỏ, trượt chân, nhưng vẫn cố nắm lấy những ngọn cỏ yếu ớt. An té, vật vã, quần áo lấm bùn.
- Cậu điên à, ngưng đi, tớ đãi cậu ăn chè, cả bánh lọt nếu cậu thích. Xuống đi.
An vật vã mãi, té lên té xuống mấy lần, rồi cũng leo lên tới đồi. Tôi leo lên sau, và bạn tôi lại ngồi khóc:
- Tớ sắp chết, cậu biết không, tớ bị trả bài Anh văn trong cái buổi mà cô không dặn học bài, cả Hoá tớ cũng làm đề khác với cái lý do "tớ giỏi nhất lớp". Hôm trước chúng nó doạ đánh tớ cũng vì cái lý do đó, khiến chúng nó ghét tớ. Tớ sắp chết, cậu biết không?
- Được, tớ biết. Nhưng... Nếu cậu cần, tớ... tớ...
- Tớ không cần gì cả, ngồi đây, với tớ, nhìn xuống dưới kia, vườn rau chỗ nhà trọ tớ. Tớ trồng chúng đấy, bà chủ trọ bán hẳn cái vườn đó cho tớ rồi. Tớ trồng su hào, cà rốt, khoai tây và cải bắp nữa. Cậu biết mỗi ngày tớ thu được bao nhiêu tiền không? Gần sáu chục đấy! Nhiều, đúng không. Nhưng tớ không đi học thêm, tớ cần học đại học. Vậy mà chẳng ai biết cả.
Thút thít một tí, bạn tôi tiếp:
- Mấy đứa chung lớp nó nói tớ đẹp. Ừ, tớ đồng ý, nhưng nó bảo tớ cướp "trai" của nó. Hồi nào đâu, tớ đi đâu thì "trai" của bọn nó theo tới đó. Tớ tách ra được à. Nếu giỏi thì sao bọn nó không tự mà giữ đi. Hừm, tớ khinh. - rồi An quay sang tôi, ha giọng - bọn con gái như vậy, mai mốt cậu mà lấy thì đừng có mà nhìn mặt tớ.
- Nè nè. Sau tự nhiên có tớ trong đó. Hứ, cậu mà lấy thằng chồng nào như mấy đứa đang đi theo cậu thì cũng đừng có mà nhìn mặt tớ.
- Há há, hai đứa khùng ! - An dứt cơn khóc, và cười to như một đứa tâm thần - cậu thua tớ chầu chè khúc bạch. À, mà lúc nãy cậu còn nói cho tớ thêm bánh lọt và mấy thứ tớ thích, vậy để tớ lên "lít sờ" ăn uống nghen: tối nay ăn chè, bữa sau ăn bánh lọt, bữa kế nữa ăn chuối chiên, bữa kế kế nữa...
- Thôi đi, ai biểu hồi nãy cậu không chịu ngưng cái hành trình lăn lốc của cậu, giờ chỉ có chè khúc bạch thôi nghen.
- Xí, trùm sò, rồi tớ sẽ bòn rút của cậu. – nó nói bằng cái giọng như phù thủy nói với Bạch Tuyết – như một cây tầm gửi bòn rút một cây thông, cho đến khi cây thông chết.
- Và cây tầm gửi cũng sẽ chết.
- Ừ hén, thôi như một cái... Ừ mà thôi, nói chung là bòn rút.
Có lẽ con nhỏ hơi huê, nhưng không sao, huê cho chừa cái tội ham ví von này nọ.
Chiều đó, bọn tôi về trễ, nhem nhuốc như những con mèo. Những con mèo tâm thần trên đồi thông.
Tháng năm, trời vào hạ, An bắt xe xuống Sài Gòn.
- Cậu định thi ở dưới đó thiệt hả?
- Dở người à, tớ mua vé xe rồi đấy.
- Cậu bỏ tớ đi vậy à?
- Thôi, không nói nhiều nữa, mai mốt tớ về chứ tớ có đi luôn đâu.
- Vô trong đó cẩn thận nghe.
- Biết rồi, nói mãi.
Chiếc xe lăn bánh từ từ xuống con dốc và mất hẳn sau con đèo nhỏ. Những cánh phượng đỏ làm tôi choáng, nó rực cả một góc trời, đỏ vô tới trong tim những đứa hay phiêu lưu như An. Mùa này đã có ve, cái tiếng chói chang ấy đi đâu cũng nghe, ồn ào kinh tởm, thế mà con An nó lại bảo hay, nó bảo tôi không biết thưởng thức cái nghệ thuật gì gì đó. Với tôi, có tiếng ve là được nghỉ hè, mà năm nay tôi cũng chẳng được nghỉ, An đi rồi còn tôi chẳng làm gì à. Tôi cũng thi đại học chứ.
Tháng bảy, Đà Lạt mưa to, và An trở về.
Cô bạn tôi chật vật xách mấy thứ lỉnh khỉnh xuống xe đò, bánh mì, bánh ngọt, trái cây,... Mặt nó mệt mỏi nhưng nhìn vẫn nhí nhố.
- Con nỡm, mua chi nhiều vậy, làm như trên này không có mấy thứ ấy không bằng.
- Nè, có phụ không thì nói, chưa chi đã cằng nhằng.
Tôi miễn cưỡng xách phụ nó vài ba túi đồ, nó ham gì mấy cái đó mà mua nhiều vậy chứ. Vả, tiền đâu mà nó mua.
- Sao, thành công tốt đẹp chứ hả?
- Không tồi, đề cũng tương đối. Còn cậu sao, đại học Đà Lạt chắc dễ vô hả?
- Cũng tàm tạm, giờ chỉ ngồi đợi kết quả, chẳng có làm cái gì, chán lắm.
- Ở Sài Gòn cũng chán lắm, dưới đó nắng quá, tớ đen hết rồi nè.
An nũng nịu như một đứa trẻ. Nào, một đứa trẻ mười tám tuổi, đã trải qua bao sự đời, đã thuộc lòng cái tư tưởng "Đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ". Tôi nghĩ đáng ra đứa trẻ con ấy giờ phải như một hòn đá to trên Đồi thông hai mộ, nằm ấy chờ rong rêu phủ kín. Nhưng không, đứa trẻ con ấy giờ như những bông hoa trong vườn hoa thành phố, sau ngày trời trút nước không thương tiếc thì chúng vẫn vươn mình đón bình minh và có khi lại càng đậm sắc hơn.
Một tuần sau, chúng tôi có kết quả, và cả hai đứa đều đậu.
Khoảng nữa tháng sau, chúng tôi làm lễ ra trường.
Sân trường ồn ào và "ẩm ướt". Bọn con gái khóc tỉ tê, những cánh phượng đỏ cuối cùng rơi rớt. Sân trường thấm đẫm những giọt nước mắt, năm nào cũng vậy, và chắc nó đã quen rồi. Có chăng ngày mai, khi đi tới bất kì nào trên cái quả đất này, bọn tôi sẽ nhớ tới cái trường đang đứng mà sao đứa nào cũng rên rỉ cái bài ca lê thê ấy thế ?!
Buổi lễ kết thúc muộn. Trong khi những đứa khác đi chỗ này chỗ nọ thì tôi và An tách nhau ra khỏi đám đông và thơ thẩn trên con dốc.
***
Mây trút nước trong khi mặt trời vẫn chiếu nắng, bọn tôi bỏ dở câu chuyện và chạy như những đứa trẻ con lên dốc. Tôi nhìn An, tóc ướt, mặt mũi cũng ướt hết rồi. Cơn mưa này sẽ là kỉ niệm cuối cùng của bọn tôi về tuổi học trò. Nó sẽ tưới mát cho những cây thông trên đồi Mộng Mơ, thổi vào những bông hoa trong vườn hoa thành phố một chút thuần khiết, hay thấm vào những củ su hào sau nhà trọ An một chút vị ngọt. Tôi cần phải nói, một cái gì đó, có thể là vô duyên lãng xẹt, nhưng phải nói:
- An này, hãy sống như cậu bây giờ nhé. Như cái mùa hạ vừa qua ấy. Có thể sẽ rất oi bức, rất ngột ngạt. Nhưng cũng sẽ có những niềm tin màu phượng đỏ và những cơn mưa tưới mát tình yêu thương. Vì mùa hạ trong veo, nên cũng hay giữ đôi mắt của cậu trong veo như thế. Hứa với tớ, được chứ?
An nhìn tôi, cười một cái rất nhẹ. Và bầu trời vào thu!
Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng