m rồi. Nhưng đã lỡ phóng lao, nó đành phải nhắm mắt theo lao:
- Thưa cô, khác nhau ở chỗ Trưng Trắc và Trưng Nhị đánh nhau với quân Tô Ðịnh, còn Hai Bà Trưng đánh nhau với quân Mã Viện ạ!
Nhỏ Hiền Hòa vừa dứt câu, chung quanh liền nổ ra những tràng cười sặc sụa. Ðám học trò bấm bụng nén cười nãy giờ không còn kềm chế được nữa, cả mấy chục cái miệng thi nhau “hi hi, ha ha, hê hê” đủ giọng khiến nhỏ Hiền Hòa chết điếng, mặt mày xám ngoét như phải chàm.
Bây giờ nhớ lại câu trả lời hôm nọ, nhỏ Hiền Hòa còn cảm thấy người nóng bừng như hơ lửa. Vậy mà lúc nãy nó quên khuấy mất chuyện đó. Lúc nãy nghe thằng Lâm oang oang bảo mình cãi bướng, nhỏ Hiền Hòa điên tiết vặc lại, không ngờ thằng Lâm lại lôi chuyện “bốn bà Trưng” ra cà khịa lại nó.
Cô Trinh dĩ nhiên không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Thấy cả lớp cười nghiêng cười ngửa, cô gõ tay xuống bàn:
- Các em giữ trật tự nào! Chuyện gì mà cười cợt om sòm thế?
Lâm mau mắn:
- Thưa cô, chuyện “bốn bà Trưng” ạ!
- “Bốn bà Trưng” là chuyện gì?
Lâm không bỏ lỡ cơ hội kể tội “kẻ thù”. Nó bô bô thuật lại câu chuyện chết cười bữa trước.
Cả lớp lại một phen ôm bụng. Nhỏ Hiền Hòa lại một phen muốn chui xuống gầm bàn. Còn cô Trinh thì lắc đầu, chép miệng:
- Các em học sử như vậy thì nguy quá!
Nghe cô than thở, Hải quắn vọt miệng phân trần:
- Nhưng môn sử khó nhớ lắm, cô ơi!
Cô Trinh nhíu mày:
- Vậy tại sao các em vẫn làm bài được?
Ba, bốn cái miệng tranh nhau đáp:
- Chúng em chỉ nhớ lúc làm bài thôi ạ! Thi xong, chúng em quên tuốt hết cô ơi!
Thằng Tần nêu thắc mắc:
- Với lại những điều cô nói đâu có trong bài học hở cô!
- Ðiều gì không có trong bài học?
- Những điều cô kể về sông Bạch Ðằng ấy! Trong sách đâu có bảo sông Bạch Ðằng dài bao nhiêu mét, cũng đâu có nói trước đây nó có tên gọi là gì!
Thấy thằng Tần “lập luận” vững chắc, mấy đứa kia lại nhao nhao hùa theo:
- Ðúng rồi đó cô! Trong bài học đâu thấy nói những chuyện đó!
Bị học trò “tấn công” tới tấp, cô Trinh vẫn điềm tĩnh. Cô vẫy tay ra hiệu cho học trò ngồi xuống rồi chậm rãi nói:
- Tất nhiên môn sử trong nhà trường không thể nói đầy đủ hết mọi thứ! Nhưng chẳng lẽ các em không có cách nào tự tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà?
- Khó lắm cô ơi! - Thằng Lâm bép xép lại ngứa miệng - Bây giờ các trung tâm chỉ dạy toán, lý hóa, ngoại ngữ và vi tính không hà! Chẳng ở đâu mở lớp dạy thêm môn sử cả!
Cô Trinh trang nghiêm:
- Các em có thể trau dồi kiến thức lịch sử qua sách báo! Bất cứ quốc gia nào cũng có quá trình dựng nước và giữ nước của mình. Mỗi sự kiện lịch sử, mỗi anh hùng hoặc mỗi danh nhân bao giờ cũng là niềm tự hào của một dân tộc nên luôn luôn được ghi chép lại và lưu truyền qua nhiều thế hệ! - Cô Trinh ngừng một chút rồi thong thả tiếp - Nếu không hiểu biết về lịch sử, các em sẽ không biết rằng bên cạnh những anh hùng chống ngoại xâm lừng lẫy như Ngô Quyền, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Huệ, từ xưa nước ta đã có nhà bác học Lê Quý Ðôn, các nhà toán học Lương Thế Vinh, Vũ Hữu, các nhà y học Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông...
Thằng Dưỡng ngạc nhiên bật hỏi:
- Ủa, Hải Thượng Lãn Ông là người nước mình hả cô? Vậy mà trước nay em cứ tưởng ổng là người Trung Quốc!
Cô Trinh mỉm cười:
- Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, được xem là ông tổ nghề y của nước ta!
Rồi trước ánh mắt ngẩn ngơ của học trò, cô Trinh gật gù hỏi:
- Mấy hôm nay các em xem phim Người tình của Tần Thủy Hoàng trên ti-vi, vậy các em có biết nước ta từng có một nhân vật sang ở nước Tần, làm quan tới chức Tư lệ Hiệu úy, được Tần Thủy Hoàng rất tin dùng, sai ông đem quân ra trấn giữ ở đất Lâm Thao để trấn áp giặc Hung Nô hay không?
Nghe vậy, đám học trò nôn nao hỏi:
- Ai vậy cô?
- Có thật không cô?
Cô Trinh không trả lời, mà mỉm cười nói tiếp:
- Giặc Hung Nô khiếp uy ông, không dám động binh. Ðến khi ông giã từ nước Tần trở về Việt Nam, thấy vắng bóng ông, Hung Nô liền đem quân sang quấy nhiễu. Dẹp mãi không được, Tần Thủy Hoàng phải sai đúc tượng ông bằng đồng đặt ở cửa thành Tư Mã, đất Hàm Dương. Tượng rất to lớn, làm rỗng bên trong, chân tay đầu cổ có thể cử động được. Mỗi khi có người đến viếng, binh lính chui vào bên trong điều khiển máy móc cho tượng cử động. Giặc Hung Nô thấy vậy, tưởng ông vẫn còn, liền rút quân về...
Ðám học trò lại nhấp nha nhấp nhổm:
- Ông nào oai vậy cô?
Thằng Lâm láu táu:
- Ổng giỏi võ hơn Triển Chiêu không cô?
- Các em giữ yên lặng để cô kể cho nghe!
Chưa bao giờ lớp học ngoan ngoãn đến thế. Cô Trinh vừa nói xong, cả mấy chục cánh tay khoanh để trên bàn, mấy chục cái miệng ngậm tăm và mấy chục cặp mắt hướng về phía cô giáo, háo hức chờ đợi...
Ở trên bục giảng, cô Trinh quên phắt mình là cô giáo dạy văn. Cô quên phắt hôm nay mình còn phải sửa bài tập cho học trò. Cô nhìn các em, bồi hồi nhớ lại mình lúc còn bé. Cô nhớ lúc đó những câu chuyện của người thầy dạy sử đã khiến cô sung sướng và tự hào như thế nào. Cô nhớ câu chuyện về Lý Ông Trọng, người được sắc phong là Hiệu úy Uy mãnh Anh liệt Phụ tín Ðại vương, lúc đó đã khiến cô xúc động đến ngẩn ngơ ra sao.
Bây giờ, nhìn vẻ mặt hăm hở và ánh mắt long lanh xao xuyến của học trò, cô tưởng như nhìn thấy hình bóng của tuổi thơ mình trong đó. Và cô dịu dàng kể:
- Ngày xưa, ở huyện Từ Liêm có một chàng trai họ Lý, húy là Ông Trọng, mình cao hai trượng ba thước, khí chất cương nghị và mạnh mẽ khác thường...
Giữa trưa nắng, Tiểu Long lọc cọc đạp xe chở Quý ròm đến nhà nhỏ Hạnh.
Gửi xe đạp cho bà bán thuốc lá ở chân cầu thang, hai đứa phóng vù lên những bậc cấp.
- Công Tôn tiên sinh có nhà không? - Quý ròm vừa tới trước cửa lưới đã kêu ơi ới.
Thằng Tùng chạy ra:
- Anh tìm chị Hạnh hả?
Quý ròm hừ mũi:
- Thằng này hỏi lạ! Bản phủ không tìm Công Tôn tiên sinh thì tìm ai!
Nhìn bộ tịch của Quý ròm, Tùng toét miệng cười:
- Anh mà là Bao đại nhân? Bao đại nhân to lớn, oai vệ chứ đâu có còm nhom như anh!
Mặt Quý ròm sa sầm:
- Ý nhà ngươi muốn bảo bản phủ là Bao... tiểu nhân chắc?
Thấy Quý ròm mặt mày đằng đằng sát khí, không biết ông anh thật hay đùa, Tùng rụt cổ:
- Em đâu có ý nói thế!
Rồi nó chỉ tay sang Tiểu Long, đánh trống lảng:
- Còn đây chắc là Nam Hiệp Triển Chiêu!
Quý ròm lắc đầu:
- Bậy! Ta cho Nam Hiệp Triển Chiêu... nghỉ hưu rồi! Còn đây là Bắc Hiệp Lý Ông Trọng!
Cái tên Lý Ông Trọng lạ hoắc làm Tùng ngơ ngác. Nó chớp mắt:
- Ý anh muốn nói đến... Lý Tự Trọng?
- Lại bậy nữa! - Quý ròm nhún vai - Lý Ông Trọng là... ông tổ mấy trăm đời của Lý Tự Trọng cơ đấy! Lý Tự Trọng là anh hùng đánh Pháp, còn Lý Ông Trọng là anh hùng đánh Hung Nô!
Tùng vẫn không hiểu “ông tổ mấy trăm đời của Lý Tự Trọng” là cái ông như thế nào và giặc Hung Nô là thứ giặc ra sao, mặt cứ đực ra.
- Có gì mà nhìn ngây tao như thế! - Quý ròm phẩy tay, nghiêm giọng - Là người Việt Nam phải tìm đọc lịch sử Việt Nam! Mày không chịu trau dồi kiến thức về lịch sử nước nhà thì biết đến Lý Ông Trọng thế quái nào được!
Quý ròm nói hệt giọng cô Trinh. Thằng Tùng không biết ông anh ròm của mình vừa bị cô giáo trách y như thế nên mặt mày bẽn lẽn, bụng tự trách thầm cái tội dốt sử của mình.
Chỉ có Tiểu Long là tủm tỉm cười. Nhưng sợ Tùng nghi ngờ, nó kín đáo quay mặt đi chỗ khác để thằng oắt khỏi phát hiện.
Trong khi Tùng đang bối rối trước lời “giáo huấn” sâu sắc của Quý ròm thì nhỏ Hạnh bước ra:
- A, Quý và Long đi đâu đây?
- Kẻ hèn này đi cầu kiến tiên sinh chứ còn đi đâu nữa! - Quý ròm lách qua khung cửa vừa mở, giọng hờn dỗi - Công Tôn tiên sinh lúc này được... Hoàng thượng cất nhắc, đâu có thèm nhìn nhỏi gì đến Triển hộ vệ và Bao hắc tử này nữa!
- Lý hộ vệ chứ? - Thằng Tùng ngứa miệng nhắc.
- À quên! Lý hộ vệ!
Nhỏ Hạnh ngơ ngác:
- Lý hộ vệ là ai?
Quý ròm chưa kịp đáp, thằng Tùng đã chỉ tay vào Tiểu Long, nhanh nhẩu:
- Anh Quý, à quên, Bao đại nhân bảo đây là Bắc Hiệp Lý Ông Trọng! Còn Nam Hiệp Triển Chiêu, Bao đại nhân đuổi việc rồi!
- Cho nghỉ hưu chứ không phải đuổi việc! - Quý ròm đính chính.
Nhỏ Hạnh cười khúc khích:
- Chà, Quý thuộc sử ghê nhỉ!
- Hạnh đừng có chọc quê tôi! - Quý ròm thở dài, nó chẳng buồn làm Phủ doãn phủ Khai Phong nữa - Nếu thuộc sử, tôi và Tiểu Long chả đội nắng đến tìm Hạnh trưa trờ trưa trật như thế này làm gì!
Lời than vãn của Quý ròm khiến nhỏ Hạnh áy náy tợn. Nó thu ngay nụ cười lại. Trong một thoáng, nó có cảm giác nó đang bỏ rơi bạn bè trong cơn... hoạn nạn.
Chả là sau khi bất ngờ phát hiện ra sự hiểu biết kém cỏi của học trò về lịch sử nước nhà, đặc biệt là những hiểu biết “kinh dị” kiểu như Trần Hưng Ðạo đánh nhau với quân Nguyên Mông chỗ Khách sạn nổi trên sông Sài Gòn hay Hai Bà Trưng và Trưng Trắc, Trưng Nhị là những nhân vật hoàn toàn khác nhau, cô Trinh liền tức tốc tìm gặp cô Nga. Và hai cô giáo đã bàn với nhau sẽ tổ chức cuộc thi hoạt cảnh lịch sử giữa các tổ học tập của lớp 8A4 vào giờ sinh hoạt chủ nhiệm đầu tuần tới.
Lớp 8A4 có năm tổ học tập. Mỗi tổ sẽ tự tìm hiểu, nghiên cứu sách báo và rút ra từ trong kho tàng lịch sử nước nhà một mẩu chuyện tâm đắc nhất để dựng thành hoạt cảnh.
Mỗi hoạt cảnh sẽ diễn ra khoảng mười phút, và đặc biệt những hoạt cảnh này sẽ là những hoạt cảnh không lời, gần giống như kịch câm vậy. Khi một tổ diễn, các tổ khác chỉ nhìn vào hành động, cử chỉ của các nhân vật trên “sân khấu” để đoán ra đó là sự kiện lịch sử gì.
Khi cô Trinh công bố điều lệ cuộc thi, trừ tổ 4 của nhỏ Hạnh, các tổ còn lại mặt mày đứa nào đứa nấy đều nhăn như bị.
Ðỗ Lễ ngửa mặt nhìn trần nhà, cảm khái than:
- Phen này tổ mình “xuống hố” rồi! Sông Bạch Ðằng ở ngoài Bắc mà thằng Lâm còn dám dời tuốt vô Sài Gòn thì còn thi với thố thế quái nào được hở trời!
Ðỗ Lễ ngồi bàn chót dãy bên phải, thằng Lâm ngồi bàn chót dãy bên trái, xưa nay ít đụng nhau, nhưng trong lãnh vực học tập, cả hai đứa đều là thành viên của tổ 5 dưới quyền của lớp phó trật tự kiêm tổ trưởng Minh Vương.
Ðang lo phát sốt trước qui định cô Trinh vừa ban ra, chưa biết làm thế nào đã nghe Ðỗ Lễ lên tiếng móc ngoéo, Lâm nghiến răng ken két. Nó trừng mắt nhìn qua chỗ Ðỗ Lễ:
- Nếu mày sợ “để lỗ” thì xin chuyển qua tổ khác! Hừ, dốt đặc cán mai mà bày đặt ta đây!
- Thôi, thôi, đừng cãi nhau nữa! - Tổ trưởng Minh Vương nhăn nhó giảng hòa - Tụi mày cùng tổ mà chẳng đoàn kết gì hết!
Nhưng không chỉ tổ 5 mới “lục đục nội bộ”. Ở tổ 1, thằng Quang quay lại bàn sau nhìn nhỏ Hiền Hòa, cười hì hì:
- Ở quận Một có đường Trần Hưng Ðạo A, ở quận Năm có đường Trần Hưng Ðạo B, như vậy là ngoài bốn bà Trưng, trong lịch sử còn có hai ông Trần Hưng Ðạo nữa đấy nhé!
Trong khi nhỏ Hiền Hòa gục đầu ấm ức thì tổ trưởng Tần nóng tiết đập bàn:
- Mày có quay lên không, thằng sứt môi!
Quang sợ uy tổ trưởng, hấp tấp quay lên. Nhưng trước khi ngoảnh mặt, nó còn cố trề môi:
- Sứt môi đâu mà sứt môi! Có mày chúa ghẻ thì có!
Quang năm ngoái đã đi giải phẫu vá lại chiếc môi, nhưng tụi bạn khi nổi khùng lên vẫn gọi nó là “Quang sứt”. Còn Tần trước đây bị ghẻ đến phải cạo trọc đầu. Nhưng đó là chuyện cũ. Bây giờ Tần đã hết ghẻ, tóc tai đã nghiêm chỉnh đâu ra đó. Nhưng nghe Tần lôi chuyện năm xửa năm xưa ra nhạo mình, Quang tức mình đem “quá khứ ghẻ” của tổ trưởng ra cà khịa lại.
Tần tính đập bàn thêm cái nữa nhưng nhớ đến cuộc thi sắp tới, nó đành bấm bụng làm thinh. Trước một cuộc thi quan trọng như vậy, Tần chẳng muốn gây gổ lôi thôi. Nếu không đoàn kết, tổ nó e sẽ cầm đèn lái mất. Nó đánh mắt sang chỗ bọn Quý ròm ngồi, bụng xuýt xoa ghen tị “Phen này chắc tổ 4 sẽ ẵm hết giải thưởng!”.
Mấy đứa tổ khác cũng nhìn tổ 4 với ánh mắt ghen tị y hệt Tần. Và cũng nghĩ y hệt Tần: “Tổ 4 đứng nhất là cái chắc!”.
Tổ 4 gồm cả thảy sáu đứa. Bàn sau có nhỏ Hạnh, Quý ròm và Tiểu Long. Bàn trước ngoài Kim Em, còn nhỏ Hiển Hoa và thằng Cung.
Cung học lực trung bình, chỉ được mỗi tài vẽ. Thầy Quảng dạy địa lý và cô Hạ Huệ dạy sinh vật lần nào kiểm tra tập cũng tấm tắc khen các hình vẽ nắn nót và sạch sẽ của nó. Nhờ các hình vẽ đó mà hôm nào nó xui xẻo trả bài vấp váp, thầy Quảng và cô Hạ Huệ cũng không nỡ cho nó điểm kém. Quý ròm ít chịu khen ai, cũng phải công nhận Cung vẽ đẹp. Quý ròm bảo Cung có hoa tay. Và Cung sống sót qua những cuộc kiểm tra bất ngờ của thầy Quảng và cô Hạ Huệ chính nhờ cái hoa tay đó.
Nhỏ Hiển Hoa học hành không khá hơn Cung, lại chả có tài vẽ. Nhưng nhỏ Hiển Hoa nổi tiếng hơn. Bởi vì hồi đầu năm học, lúc nó mới chuyển về trường Tự Do, hễ thầy cô kêu tên nó thì nhỏ Hiền Hòa đứng dậy, còn kêu tên nhỏ Hiền Hòa thì nó lại... đứng lên. Suốt cả tháng trời, hai cái tên Hiền Hòa Hiển Hoa lộn xộn này đem lại cơ man những trận cười cho cả lớp. Các thầy cô thì cười dở mếu dở. Hai đứa “trong cuộc” cũng chẳng hơn gì. Những lúc đó, nhỏ Hiển Hoa và nhỏ Hiền Hòa đứng chết trân, mặt mày nóng như đang hơ lửa.
Nhưng đó là chuyện cũ, chuyện lúc mới nhập học. Còn bây giờ thì cùng với thằng Cung và nhỏ Kim Em, nhỏ Hiển Hoa đang quay đầu ra bàn sau, cười toe toét:
- Cô Trinh và cô Nga cho thi kiểu này, tổ mình có bạn Hạnh, khỏi lo nhé!
- Còn phải nói! - Quý ròm nheo mắt - Gì chứ hoạt cảnh lịch sử, “nhà thông thái” của chúng ta nhắm mắt cũng có thể nói trúng phóc!
Nhưng sự hào hứng quá mức của tổ 4 lập tức bị cô Trinh làm cho tắt ngấm. Cô nói:
- Các em nhớ chuẩn bị kỹ lưỡng nhé! Riêng em Hạnh sẽ không tham gia cuộc thi này!
Cả tổ 4 tái mặt:
- Sao thế cô?
Cô Trinh thản nhiên:
- Cô và cô Nga sẽ mời em Hạnh vào ban giám khảo!
Lời phán của cô Trinh khiến tổ 4 choáng váng. Quý ròm nghe như có ai gõ búa vào đầu. Nó lắp bắp:
- Vào... ban giám khảo ư? Vào đó... làm gì?
Trái với vẻ thất thần của các thành viên tổ 4, các tổ khác mừng rỡ nhao nhao:
- Ðúng rồi đó cô!
- Bạn Hạnh thuộc cả mấy bộ từ điển, tụi em làm sao thi cho lại hở cô!
Những nét mặt ủ dột của các thành viên tổ 4 khiến cô Trinh động lòng. Cô tặc lưỡi nói thêm:
- Em Hạnh chỉ không tham gia cuộc thi thôi! Còn khi tổ 4 chuẩn bị, Hạnh vẫn có quyền góp ý!
Sự “khoan hồng” vào phút chót của cô Trinh chẳng khiến năm thành viên còn lại của tổ 4 phấn khởi tẹo nào. Quý ròm liếc Tiểu Long, càu nhàu:
- Quan trọng là lúc giải đáp chứ góp ý chuẩn bị thì ăn thua gì!
Tiểu Long khịt mũi:
- Góp ý cũng cần thiết chứ mày!
- Cần thiết cái khỉ khô! - Quý ròm nổi cáu - Chả cần đến nhỏ Hạnh, tao cũng thừa sức tìm ra cả khối chuyện trong sách!
Nói thì hung hăng như vậy nhưng đến trưa, khi Tiểu Long lò dò đạp xe đến nhà hỏi “Mày tìm ra mẩu chuyện nào hay hay chưa?” thì Quý ròm lại ngẩn tò te:
- Chưa! Hay mình lại nhà nhỏ Hạnh hỏi nó thử xem!
xem tiếp tập 2