Tin nhắn xếp hình
.Xtgem.com

Game online mobile

Thế Giới Giải Trí Trên Mobile Của Bạn

Truyện teen

Home » Truyện teen

Truyện teen:Yêu một thiên thần
Truyện teen
Truyện teen » Yêu Một Thiên Thần

Yêu Một Thiên Thần

Yêu Một Thiên Thần
Hơn 11 giờ đêm, tôi thong thả dong xe về nhà. Lâu lắm rồi mới lại có một đêm mất điện, ánh trăng rằm trong mát bao trùm không gian. Đến đầu ngõ, bỗng tôi giật mình khi thấy một bóng người nhỏ con, mặc áo đỏ, đang loay hoay leo tường vào sân căn nhà đối diện nhà tôi. Đó là nhà của cặp vợ chồng hàng xóm mới chuyển về: khoảng trên 40 tuổi, vui tính, cởi mở mà tôi đã có dịp làm quen.

“Chắc bọn trẻ bụi đời đi trộm vặt”, tôi thầm nghĩ và dừng ngay xe lại, quát to: “Leo xuống!”
Cái áo đỏ quay ra, mái tóc nâu lòa xòa, đáp tỉnh queo: “Sao lại phải xuống ạ?”
“Trời! Cái con nhỏ này đã đi ăn trộm, bị bắt gặp, còn lên giọng thách thức!” Tôi bực bội nghĩ và bước tới gần, tay chống nạnh, mặt mày hầm hố: “Giờ không xuống là tui kêu công an đó. Xuống ngay!” Vừa lúc ấy, trên ban công, hai bóng người ló ra, tiếng chị hàng xóm:”Ủa, NiNi, sao con leo tường vào nhà vậy?”
Tôi giật mình nghe “tên trộm nhí” ngửa cổ lên thưa: “Dạ, con quên chìa khóa trong nhà. Mua nến xong, con leo vào để đỡ phải gọi ba mẹ”. Tôi chợt hiểu, thì ra “tên trộm nhí” tôi hò hét nãy giờ chính là NiNi – con gái anh chị hàng xóm và cũng là cô bé đáng yêu hay sang nhà chơi mà mẹ tôi thường nhắc đến. Chẳng để tôi kịp giải thích, bé thẳng tay chỉ xuống tôi đang đứng lớ ngớ dưới đường, mách tội: “Chú này kỳ ghê á mẹ! Lúc Ni Ni chuẩn bị leo thì không kêu, đợi khi lên đỉnh tường rồi mới quát xuống…” Nói đến đây, bé quay nhìn tôi ra vẻ nghiêm trang: “Lỡ NiNi giật mình té ngã, chú lấy NiNi ở đâu ra đền cho ba má đây?!” Ôi trời, cái giọng người lớn… giả của bé làm tôi quê điếng người. Tuột xuống sân nhanh như một con sóc, bé xoa tay kẻ cả: “Thôi, NiNi vào ngủ đây. Chú ngủ ngon nhé. Tinh thần cảnh giác cao độ như chú là… tốt lắm đó!” Ba mẹ bé chắc đang buồn cười nhưng thấy tôi sượng sùng quá bèn vớt vát, chữa thẹn cho tôi: “Chú thông cảm! Con bé NiNi này nó nghịch phá lắm chú ạ! Cảm ơn chú đã để ý hộ!”

Tôi vào nhà, mặt mày vẫn nóng ran, mẹ cầm nến ra đón tôi, vui vẻ: “Nhà mình hết nến. NiNi nó mang sang đấy. Con bé thật dễ thương hết sức!” Tôi lên phòng, nghĩ lại chuyện khi nãy bỗng dưng thấy mình tức cười thật. Còn bé – một cô bé rất dễ thương và cũng rất… đáo để!

Chiều hôm sau, đi làm về, thấy có đôi giày con gái xinh xinh trên bậc thềm, tôi đoán bé lại sang chơi. Tiếng bé ríu rít ngoài ban công với mẹ tôi nghe trong trẻo, thơ ngây lạ. Tôi lên chào mẹ, bé tủm tỉm nhìn tôi đầy ngụ ý. Tôi vẫn chưa hết quê chuyện tối qua nên khi mẹ đi chợ, tôi lẳng lặng cầm kéo ra tỉa tót cây, chẳng nói chẳng rằng. Bé nghiêng ngó tôi một lúc rồi mon men lại gần: “Chú ơi… chú à…! NiNi xin lỗi chú vì tối qua NiNi đã lỡ chọc ghẹo chú. Nhưng mình là hàng xóm mà, làm quen nhé chú. NiNi tên là… NiNi!” Tôi bắt đầu muốn cười nhưng vẫn phải cố làm mặt lạnh: “Tên ở nhà! Biết rồi!” Bé chắp hai tay sau lưng cúi người rất điệu đà: “Chú cho NiNi 5 giây tự giới thiệu nha!” Chẳng chờ tôi trả lời có đồng ý hay không, bé nói một tràng lên bổng xuống trầm: “NiNi á! Tóc màu hạt dẻ, mắt bồ câu, lông mày lá liễu, sống mũi dọc dừa, da Bạch Tuyết, răng thỏ, môi trái tim”. Tôi vờ nhăn mặt: “NiNi tả NiNi cứ như Hoa hậu í !” Tưởng chọc quê được bé ai ngờ bé đáp lại tỉnh bơ: “Hoa hậu cũng chưa được vậy đó chứ!” Vẻ đỏng đảnh với cái mũi hếch lên kiêu kỳ làm tôi bật cười: “Cái này là 5 giây… tự quảng cáo chứ đâu phải là tự giới thiệu”. Bé le lưỡi cười xấu hổ. Ánh mặt trời đỏ au chiếu vào gương mặt bé hồng hào, tươi tắn. Đúng là bé xinh thật!

Từ buổi làm quen hôm đó, tôi hay gặp bé sang chơi thường xuyên hơn. Tiếng cười đùa rộn rã, tiếng hát trong trẻo và những nụ cười rạng rỡ bé mang đến làm ngôi nhà quạnh hiu của mẹ con tôi như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, vui vẻ, náo nhiệt hẳn lên. Thấy mẹ cả ngày cứ luôn miệng nhắc tên bé, tôi vờ trêu mẹ: “Người ta đi dụ trẻ con còn mẹ thì lại bị “trẻ con” dụ”. Chỉ nghe thế là mẹ bênh ngay: “Gớm, được đứa trẻ con đáng yêu như NiNi nó dụ là hạnh phúc đấy, anh ạ!” Mẹ quý bé lắm vì bé thông minh, học giỏi lại xinh xắn, ngoan ngoãn. Bé biết cắm những lọ hoa thật đẹp đặt ở phòng khách, đặt trên bàn viết của tôi và đầu giường mẹ. Bé thích rủ bạn bè tới nhờ mẹ dạy cách làm những ly sinh tố trái cây màu mè hay những loại bánh ngon miệng. Bé có lúc đấm lưng cho mẹ tôi rồi nhõng nhẽo đòi quà nhưng có lúc lại biết lấy khăn lạnh đắp trán, dịu dàng dỗ tôi ăn cháo, uống thuốc những hôm tôi ốm. Tâm hồn bé trong sáng như một thế giới mới mẻ đầy bí ẩn, lôi tôi ra khỏi những tháng ngày sống ảm đạm, tẻ nhạt. Có bé, tôi biết mong một đêm sinh nhật hạnh phúc; biết chờ những giấc mơ xinh đẹp; biết tin những điều lãng mạn, siêu thực; biết dành một điều ước đêm Giao thừa cho những người nghèo khổ, bệnh tật, cho thế giới hòa bình chứ không chỉ cho riêng mình như trước. Bên bé, tôi học lại những điều tưởng như xưa cũ giữa cuộc đời đầy bon chen, toan tính đó là yêu thương con người, cuộc sống với trái tim vô tư, trong sáng và chân thành nhất; đó là luôn giữ vững niềm tin ngay cả khi vấp ngã, đau buồn.

Tình thân giữa hai gia đình thêm gắn bó, tôi và mẹ thỉnh thoảng lại sang nhà bé chơi. Mẹ tôi còn nhờ ba mẹ bé mối mai hộ vì đã gần 30 tuổi đầu, tôi vẫn chưa có bạn gái thậm chí là chưa từng biết yêu ai. Chuyện nghe qua thật khó tin thế nên tôi hay trở thành đối tượng của những lời hỏi thăm thiếu tế nhị và cả những dòm ngó, bàn tán không thân thiện trong khi sự thật chỉ đơn giản là vì tính cách tôi hướng nội, khép kín không thu hút với các cô gái hiện nay còn thời gian cho việc chơi bời bên bạn bè lại quá ít. Cũng có người giới thiệu nhưng chẳng hiểu sao lòng tôi cứ trơ như đá, không hề rung cảm. Một tối sang trò chuyện cùng ba mẹ bé, mẹ tôi chép miệng than: “Cô lo quá đi, hai cháu ạ! Cái thằng này không biết có ai yêu nổi nó không nữa?” Bé đang ôm con chó xù vội ngẩng lên xí xọn: “Bà ơi, không phải là không ai yêu nổi chú ấy mà là chú ấy không yêu nổi ai đấy chứ ạ! Được chú ấy yêu thì phải là thiên thần mà dạo này thiên thần khó tìm lắm bà ạ!” Tôi cười hãnh diện còn “luật sư nhí” của tôi lại bị mẹ nhắc: “NiNi, không được nói leo!” Bé rụt cổ bẽn lẽn ôm con chó ra sân. Tôi đi theo ngồi bên bé. Bé làm bộ đăm chiêu suy nghĩ rồi vỗ vai tôi… đồng cảm: “Chú đừng lo! Như NiNi này cũng đã có… bạn trai đâu” Tôi phì cười: “Trùi ui! 15 tuổi đã đòi có bạn trai kìa. Tui vào méc ba mẹ cho coi!” Bé chẳng vừa: “Chú méc ba mẹ thì NiNi méc bà chú hiểu lầm lòng tốt của NiNi. NiNi nói vậy để an ủi chú thôi”. Nói rồi, bé ngước nhìn lên trời, mơ màng chỉ ngôi sao Hôm: “Sao to thật to, sáng thật sáng đó là chú đấy. Khi nào chú thấy có một vì sao khác đến gần bên sao của chú là khi ấy chú sẽ có tình yêu”. Nhìn mắt bé long lanh đầy tin tưởng, tôi khẽ cười: “Ừ! Chú sẽ chờ”. Và bỗng chợt nhận ra đã lây cái tính trẻ con, mơ mộng của bé hồi nào không biết.

Cũng có lần tôi giả vờ thắc mắc: “Tui mới ba mươi bộ già lắm sao mà gọi chú hoài thế?” Bé cười tinh nghịch: “Không kêu chú nữa vậy NiNi kêu là “chú ba mươi” nhe!” Tôi bật cười vỗ vỗ ngực hít hà: “Chà, may mắn tuổi chú chưa đến 35 nếu không với cái kiểu gọi đặc biệt này của NiNi, dễ gây hiểu lầm lắm đó”. Nghe vậy, bé mím môi cười hiền khô và cứ thế, bé thoắt là trẻ con lại thoắt là thiếu nữ. Một buổi tối bé đi dự sinh nhật bạn gần nhà, xin phép về khuya, ba mẹ bé bận bèn nhờ tôi đón bé giúp.

Đúng giờ hẹn, tôi vừa đến đứng trước cửa thì bé bước ra. Vóc dáng thon thả, nhỏ nhắn trong chiếc váy trắng dịu dàng, mái tóc nâu uốn quăn, môi hồng và má lấp lánh kim tuyến, trông bé như một nàng công chúa xinh đẹp lạ kỳ. Bé tung tăng đi về phía tôi: “Sao chú không đi xe?” “Thỉnh thoảng nên đi bộ sẽ tốt hơn cho sức khỏe” – tôi trả lời. Bé gật gù: “Đúng là ngôn ngữ của người… làm trong bệnh viện” và vui vẻ cùng tôi ra về. Chúng tôi đi bên nhau, bóng to bóng nhỏ dưới những hàng cây yên ắng, mát rượi, tôi thấy lòng thanh thản vô cùng. Bỗng, bé vấp ngã! Nghe được tiếng: “Á”, quay lại tôi đã thấy bé ngồi bệt xuống đất xoa chân nhăn nhó. Tôi vội đỡ bé dậy, miệng cằn nhằn: “Ai bảo đi giày cao gót để làm chi?” Bé buớng bỉnh: “Để làm đẹp chứ làm chi. Chú quê quá!” rồi cởi đôi giày cầm tòng teng trên tay. Tôi hỏi: “Đi chân đất về nhà à?” Bé giận lẫy: “Dạ!” dợm bước định đi. Nhìn đôi bàn chân nhỏ xinh, hồng hào đặt trên nền đường đất đá, tôi xót ruột: “Còn cả một đoạn đường nữa, về đến nhà thì sưng chân. Thôi, lên chú cõng!” Như chỉ chờ có thế, bé chu miệng cười nịnh nọt: “Chú hết quê rồi!” Tôi phì cười khom người xuống. Bóng tôi cõng bé in trên hè đường trông là lạ. Qua một đoạn, bé ghé sát xuống tai tôi ngập ngừng hỏi khe khẽ: “NiNi… có nặng lắm không chú?” Tưởng được bé quan tâm “ông chú ” hồ hởi: “Không! NiNi nhẹ cỡ… chó cún thôi” Ai ngờ bé khúc khích cười tinh quái: “Khó tính như chú mà nói vậy thì NiNi chẳng phải lo chuyện… giảm cân nữa rùi” Vừa mừng hụt, vừa bị chê là khó tính tôi chỉ còn biết nhăn trán than: “Trời…!” Lặng yên một lúc, bé bắt đầu bày trò, hết bịt mắt lại đến thổi phù phù sau gáy hay cọ mấy lọn tóc vào cổ làm tôi khổ sở quá chừng. Chịu hết nổi, tôi dừng lại nghiêm giọng: “Để chú cõng NiNi ra cầu Thị Nghè nha!” Bé nghiêng đầu xuống tò mò: “Chi vậy chú?” Chỉ chờ có vậy, tôi làm một hơi bức xúc: “Để thả NiNi xuống chứ làm chi. NiNi quậy quá trời!” Thấy bé ậm ừ chưa tìm được chiêu đối phó tôi hả hê: “Sao? Lại định dọa chú là “chú lấy NiNi ở đâu ra đền cho ba má đây” chứ gì?” Trên lưng tôi, bé cười vang rồi thỏ thẻ: “NiNi không quậy nữa!” Sự ngoan ngoãn của bé làm tôi nghi ngờ. Y như rằng, một lúc sau đã thấy bé tựa vào vai tôi ngủ ngon lành. Tôi mỉm cười thầm nghĩ: “Biết ngay mà, không quậy nữa là vì buồn ngủ chứ có phải thương xót gì tui đâu”. Cố bước thật khẽ khàng tôi để yên cho bé ngủ. Đôi cánh tay mảnh mai, buông lơi trước ngực tôi đung đưa, bé áp người vào lưng tôi êm ái, ấm áp. Tiếng thở bé nhẹ nhàng, đều đặn, mái tóc thơm ngát gió cứ thổi chạm má tôi mềm mại. Bất giác, tôi buột miệng thì thầm: “Đêm thần tiên!” mà cũng chẳng hiểu tại sao.
Những tưởng cuộc sống trôi đi yên bình, êm ả đâu ngờ tai họa bỗng ập đến.

Một chiều đi làm về, mẹ tôi hớt hải bảo tôi phải quay lại bệnh viện vì bé bị đụng xe vừa đưa vào đó. Bàng hoàng, sững sờ tôi trở lại bệnh viện thì chỉ gặp ba mẹ bé đang bồn chồn, lo lắng, nước mắt ngắn dài ở hành lang. Cánh cửa phòng cấp cứu vẫn đóng kín lạnh lùng. Mẹ bé nức nở kể, lúc chiều đón bé tan học định ghé mua ít trái cây, bé bảo để bé băng qua đường cho mẹ đỡ phải quay đầu xe lại. Mua xong, bé đang chuẩn bị sang đường thì một chiếc xe ben chạy quá tốc độ sau khi đụng mạnh một xe máy đã lệch tay lái đâm thẳng về phía bé. Những trái cam rơi lăn lóc, chơ vơ giữa dòng người; chiếc xe hung thần đầu dúm dó dính vào một gốc cây to còn bé nằm đó, giữa lòng đường rộng. Cảnh tượng kinh hoàng cứ hiện ra trong đầu, bóp nghẹt trái tim tôi đau nhói. Người thân, bạn bè bé và cả mẹ tôi đều đã có mặt ở bệnh viện nhưng dường như mọi lo lắng và nước mắt giờ cũng chỉ là vô ích. Bác sỹ dè dặt bảo: “Tình hình bệnh nhân đã tạm ổn nhưng chưa thể dự đoán trước bất cứ điều gì”. Bé được đưa về phòng chăm sóc đặc biệt chờ ổn định hơn sẽ tiếp tục một cuộc đại phẫu quyết định nữa. Nhìn bé thiêm thiếp ngủ những vết thương băng bó khắp người ruột gan tôi quặn thắt.
Tôi làm kế toán ở ở lại bệnh viện nên những ngày sau đó cứ đến giờ nghỉ hoặc lúc rỗi việc là tôi lên ngay với bé. Có đêm giúp trông nom bé, thấy bé oằn người đau trong cơn mê sảng lòng tôi nhói buốt như bị kim đâm, dao cắt. Tôi không biết phải làm gì, chỉ biết gọi tên bé luôn miệng rồi ôm bé vào người mà ước ao giá cơn đau kia có thể chuyển sang cho tôi – một gã trai cao lớn chứ đừng tiếp tục đày đọa hình hài bé nhỏ, yếu ớt này.

Bé tỉnh lại sau cơn mê sâu thẳm, ai cũng ứa nước mắt mừng rỡ. Tôi tận dụng từng giây, từng phút rảnh rỗi để ở bên bé. Nhìn đôi cánh tay bé chỗ băng kín, chỗ tím bầm những vết kim tiêm, đôi mắt to trũng sâu vì mệt mỏi, đôi môi hồng xinh ngày nào giờ lắm khi bị cắn chặt đến tứa máu trong những cơn đau, tôi xót xa thương bé, thương quá là thương! Bé vẫn còn yếu lắm nhưng ca phẫu thuật cần được tiến hành gấp. Chiếc băng ca đưa bé vào phòng mổ mang theo bao lo lắng, hy vọng và chờ đợi cho một sự hồi phục tốt đẹp. Cái ý nghĩ đằng sau cánh cửa cách ly kia, bé đang phải một mình – chỉ một mình chống chọi lại bàn tay lạnh lẽo của thần Chết khiến mắt tôi hoe đỏ. Ranh giới giữa sự Sống và cái Chết đôi khi quá mong manh. Sau gần ba tiếng đồng hồ, vị bác sỹ bước ra với cái lắc đầu day dứt: “Chúng tôi rất tiếc nhưng ca phẫu thuật không thể hoàn thành vì sức khỏe bệnh nhân đã suy kiệt. Người nhà thu xếp rồi đưa về… cho kịp”. Gia đình bé lả đi trong tuyệt vọng. Còn tôi chết trân người, tim như ngừng đập trước kết quả nghiệt ngã đó. Dù vừa lúc nãy thôi tôi đã nghe các bác sỹ thẳng thắn nhận định rằng cơ hội cứu sống bé là rất ít ỏi nhưng giờ phút này đây, khi hy vọng tắt lịm, tôi vẫn không thể tin nổi lại mất bé dễ dàng đến thế!
Trên xe cứu thương, bé mơ màng nửa tỉnh nửa mê: “Mẹ ơi, mình về nhà phải không mẹ?” Cái ống truyền, kim cắm sâu vào cổ tay bé vẫn đang cần mẫn tiếp thêm những giọt sinh lực đều đặn một cách vô vọng. Như một ân huệ cuối cùng của số mệnh, về đến nhà bé tỉnh táo hẳn ra. Bé vuốt ve con chó xù, nói cười với ba mẹ, bạn bè…
THE END



[1] [>]
Đến trang:
Thống kê truy cập

online tren wap
Hôm nay:4
Tổng số:148470
Copyright(c) Huỳnh Lâm

Email: lamhien863@gmail.com

Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng



Insane